Từ đèo Khau Phạ có thể ngắm vẻ đẹp ruộng bậc thang của Tú Lệ.
Giống lúa Then cho

Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm ngay dưới chân đèo Khau Phạ. Từ xa xưa nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát. Và tháng 10 chính là thời điểm thích hợp nhất để đến nơi đây thưởng thức món xôi ngũ sắc và cốm Tú Lệ. Đây cũng chính là “tinh hoa ẩm thực” của vùng đất này.*
*

Giã gạo làm cốm Tú Lệ.

Theo truyền thuyết của các bậc cao niên kể lại thì giống lúa này không phải tự nhiên có, mà là giống lúa trời (Then) đã ban cho Tú Lệ. Nhưng để có được những hạt lúa nếp thơm ngon như vậy, ngoài việc nhận được nhiều ưu ái của thiên nhiên như khí hậu quanh năm mát mẻ, đất có nhiều mùn và khoáng chất, lại được tưới bằng nước suối trong vắt chảy từ đỉnh đèo Khau Phạ đã tạo nên hương vị đặc biệt của nếp Tú Lệ mà không nơi nào có được thì công sức của con người cũng không hề ít. Khi lúa nếp khum ngọn, còn nguyên hương sữa, người dân bắt đầu gặt về làm cốm, mà là phải gặt lúc sang sớm. Từ khi mặt trời còn chưa thức giấc, họ đã lên nương hái những bông lúa còn đẫm sương đêm mang về tuốt. Lúa tuốt xong sẽ được rang ngay, nếu để cách ngày thì hạt cốm không còn xanh ngon nữa.

Công đoạn rang nếp cũng không hề đơn giảm. Bếp lò rang nếp thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Khi rang nếp, người ta để lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Trung bình khoảng 10 lần giã mới hoàn tất mẻ cốm. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của lúa.

Xôi ngũ sắc

Thưởng thức cốm Tú Lệ mà chưa nếm xôi ngũ sắc sẽ khiến cho người ta có cảm giác thiếu thiếu một cái gì đó. Cũng như cốm, xôi ngũ sắc được làm từ những hạt nếp thơm ngon nhất của Tú Lệ. Ăn xôi Tú Lệ, do người Tú Lệ nấu, thấy ngon lạ lùng. Hạt xôi bóng, mẩy căng, ngậy thơm; khi nhai nghe như tiếng hạt nổ nhẹ, thoang thoảng hương của lúa mới, của vị cám gạo xay.

Xôi ngũ sắc tượng trưng cho tình đoàn kết các dân tộc anh em.

Xôi ngũ sắc của Tú Lệ luôn có 5 màu: xanh, đỏ, tím, vàng trắng. Màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, màu xanh tượng trưng cho núi rừng, tím tượng trưng cho trời đất, màu vàng là sắc thái của ấm no, trắng là biểu tượng của thủy chung trong trắng. Cũng có cách giải thích khác cho rằng 5 màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng là tượng trưng cho thuyết âm dương ngũ hành hay tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em Thái, Tày, Mông, Mường và Kinh (5 dân tộc có dân số nhiều nhất ở Tú Lệ). Màu của xôi được tạo ra từ các loại cây, lá, củ, quả của rừng, của núi nên tính lành, hương vị hấp dẫn thấm quyện với hương cơm nếp tan dẻo thơm của Tú Lệ khiến ai đã ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Phượng Diễm