Mảnh xác chiếc máy bay F-117A bị bắn rơi.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhà nước Liên bang Nam Tư được thành lập trên cơ sở Vương quốc Nam Tư ra đời năm 1918, gồm 6 nước cộng hoà: Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia, trong đó, Serbia có 2 tỉnh tự trị là Kosovo và Vojvodina.

Năm 1992, những mối bất hòa, mâu thuẫn sắc tộc, chủ nghĩa ly khai được hậu thuẫn từ các thế lực bên ngoài khiến LB Nam Tư chia rẽ sâu sắc và bắt đầu tan vỡ thành từng quốc gia riêng. Tại tỉnh Kosovo, cộng đồng người Albania chiếm đa số bắt đầu công khai chống lại chính quyền trung ương, đòi độc lập cho Kosovo. Dĩ nhiên, chính quyền trung ương Nam Tư không thể chấp nhận yêu sách này. Từ đó, LHQ, các nước phương Tây đã gia tăng sức ép đòi Tổng thống Nam Tư - Milosevic phải chấm dứt nạn bạo lực leo thang ở tỉnh Kosovo. Những lời đe doạ về hành động quân sự của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng Kosovo lên tới đỉnh điểm khi NATO quyết định mở cuộc không kích vào Nam Tư, trở thành cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào một quốc gia châu Âu có chủ quyền trong lịch sử NATO, với lí do bảo vệ người gốc Albania ở Kosovo chống lại sự “diệt chủng” của chính quyền Nam Tư.

Chiến dịch tiến công đường không của NATO (mật danh là “Chiến dịch Sức mạnh liên minh”) diễn ra từ ngày 24-3 đến ngày 9-6-1999. Nhằm phá hủy tiềm lực quân sự, kinh tế của Nam Tư, buộc nước này phải chấp nhận yêu sách chính trị của các nước phương Tây. Liên quân đã sử dụng khoảng 1.100 máy bay chiến đấu (chủ yếu là của Mỹ) với các kiểu loại hiện đại nhất như máy bay tàng hình B-2, F117-A, trong 78 ngày đêm xuất kích 36.000 lần chiếc, được sự hỗ trợ của 24 vệ tinh định vị toàn cầu, phóng hơn 20.000 tên lửa (có vài trăm tên lửa hành trình tầm xa) và bom (35% có điều khiển) với nhiều loại mới như bom chứa uran nghèo, bom xung điện từ, bom chì... đánh vào 600 mục tiêu quân sự và dân dụng của Nam Tư.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt, dũng cảm và đầy mưu trí của lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Tư. Bằng nghệ thuật chỉ huy khéo léo, chiến thuật nghi binh, che giấu hợp lí, quân đội Nam Tư đã hạn chế được tổn thất, đồng thời đánh trả bằng tên lửa, pháo phòng không và các loại vũ khí nhẹ, bắn rơi 2 máy bay (có F-117A), hàng chục tên lửa hành trình của Mỹ và NATO. Cuối cùng, Mỹ và NATO đã phải ký kết hiệp định đình chiến, và chỉ có thể lật đổ được Tổng thống Milosevic trong cuộc “cách mạng nhung” sau đó.

Việc quân đội Nam Tư bắn rơi F-117A đã tạo sự nghi ngờ không chỉ đối với F-117 mà cả toàn bộ khái niệm công nghệ tàng hình vốn là cơ sở cho thế hệ máy bay chiến đấu tối tân nhất của Không quân Mỹ. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến Không quân Mỹ loại bỏ F-117 khỏi trang bị năm 2008. Mặt khác, với Chiến dịch Sức mạnh liên minh, Mỹ và NATO muốn thử nghiệm phương thức “tác chiến không đối xứng công nghệ cao” làm công cụ uy hiếp, răn đe, nhưng thực tế đã cho thấy vũ khí công nghệ cao không phải là sức mạnh tuyệt đối, không gì chống đỡ nổi.

Chiến dịch không kích của NATO đã làm chết và bị thương hơn 6.000 người (phần lớn là dân thường), phá hủy 50% cơ sở hạ tầng của Nam Tư, hơn 200.000 người buộc phải rời bỏ quê hương, thiệt hại kinh tế ước tính trên 120 tỷ USD, chưa kể đến những thiệt hại lâu dài gây ra cho hệ sinh thái khu vực và sức khỏe người dân.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6-2010, Cơ quan Giám sát nhân quyền đánh giá: NATO luôn luôn không đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý thể hiện ở việc lựa chọn mục tiêu, phương tiện và phương pháp tấn công Nam Tư. Tổ chức Ân xá quốc tế tin rằng: “Dù NATO có bất cứ ý định nào thì họ cũng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật chiến tranh hàng đầu trong những vụ giết hại dân thường vô tội”. Điều này luôn đúng với phương Tây, dù là ở Nam Tư năm 1999, ở Iraq năm 2003 hay ở Syria hiện nay.

Lẽ nào trật tự thế giới lại trong “trật tự” của một số nước, cho dù một số nước ấy là mạnh?

Đăng Song