Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc nắm tay nhau đi qua vạch biên giới giữa hai nước.
Sau bao nỗ lực kiến tạo hòa bình bị đổ bể ở bán đảo này hàng chục năm qua, thành công của cuộc họp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên ngày 27-4 chứng minh một thực tế: vấn đề của nội bộ hai miền Triều Tiên phải do chính hai miền tự quyết. Tuy vậy, các nước liên quan như Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ có những ảnh hưởng tích cực, hoặc ngược lại tới tiến trình phi hạt nhân hóa và tiến tới thống nhất hai miền.

**Nỗ lực thống nhất của hai miền
**
Nếu so với lịch sử khi Triều Tiên đưa quân vượt vĩ tuyến 38 tấn công Hàn Quốc vào tháng 6-1950, đẩy hai bên vào cuộc xung đột quân sự căng thẳng nhất kể từ sau khi hai miền Triều Tiên bị chia cắt sau Thế chiến thế giới lần thứ II, thì cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 là một bước đột phá lớn.

Để có bước đột phá này, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên buộc phải nhượng bộ trước sức ép của các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc. Có người lại cho rằng, Triều Tiên đang “câu giờ” để hoàn thiện chương trình hạt nhân của mình. Những nhận định đó đều có lý bởi nó đã từng xảy ra trong quá khứ. Nhưng trên hết, khát vọng hòa bình và thống nhất cùng với thiện ý của cả hai miền trong thời gian qua là nhân tố chính tạo nên cú đột phá ngoại giao ngoạn mục.

Khởi điểm cho bước đột phá mang tính hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền là việc Triều Tiên đồng ý cử đoàn tham gia Thế vận hội mùa Đông 2018 ở PyeongChang. Hàn Quốc cũng đã nỗ lực hết mình để tạo điều kiện cho các vận động viên Triều Tiên tham dự sự kiện. Hình ảnh hai vận động viên của Hàn Quốc và Triều Tiên cùng giương cao lá cờ Thống nhất trước sự chứng kiến của hơn 30.000 khán giả trong đêm khai mạc Thế vận hội hôm 9-2 được coi như tấm huy chương của tình hữu nghị và thiện ý hòa bình.

Quan trọng hơn, hình ảnh bà Kim Yo-jong - Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị - Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Tuyên truyền của Đảng Lao động Triều Tiên, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên khán đài cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Chính chuyến dẫn đoàn này của bà Kim Yo-jong đã giúp chắp nối những khoảng trống ngoại giao của hai bên, tiến tới cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều.

Hàn Quốc “chìa cành ô-liu” bằng việc hoãn cuộc tập trận chung với Mỹ sau Thế vận hội và Triều Tiên cũng tuyên bố hủy một bãi thử hạt nhân trước thềm cuộc họp Thượng đỉnh. Hình ảnh lãnh đạo hai nước trong ngày họp Thượng đỉnh cũng như những tuyên bố sau cuộc họp ngày 27-4 mang ý nghĩa thiết thực với tiến trình phi hạt nhân hóa và tạo dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên” nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo trang trọng tuyên bố... sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu”.

Bản tuyên bố khẳng định: Hai bên sẽ tổ chức đàm phán về việc chính thức tiến tới một thỏa thuận hòa bình; Hai bên nhất trí “giải quyết khẩn cấp” các vấn đề của những gia đình bị ly tán; Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng làm việc để “giải tỏa căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên” và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau vào tháng 5 tới; Từ ngày 1-5, mọi hoạt động tuyên truyền qua biên giới của cả hai bên sẽ chấm dứt; Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tới thăm Bình Nhưỡng vào mùa Thu năm nay...

Bản tuyên bố ngắn gọn nhưng nêu ra lời giải cho những vấn đề vốn bị bế tắc hàng chục năm qua. Quả là một bước đột phá cực lớn trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Những ngày đầu tháng 5 này, hai bên đã tiến hành gỡ bỏ những giàn loa khổng lồ chĩa vào nhau suốt hàng chục năm qua cùng những biện pháp để khiến bản tuyên bố được thực hiện nếu có thay đổi về chính trị.

**Tác động của nước ngoài
**
Rõ ràng, bản thân hai miền Triều Tiên đã tự nỗ lực hướng tới hòa bình trên bán đảo nhưng vai trò và sự can dự của các cường quốc liên quan sẽ tác động lớn tới tiến trình hòa bình này.

Tại sao vậy? Hai miền Triều Tiên không tự tách nhau ra sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Các nước lớn, vì lợi ích của mình, đã quyết định lấy vĩ tuyến 38 để chia tách hai miền, chờ cơ hội thống nhất nhưng điều đó mãi chưa đến. Vai trò và ảnh hưởng của các cường quốc tới hai miền Triều Tiên tới nay vẫn là rất lớn.

Trung Quốc, quốc gia lân cận và trực tiếp hỗ trợ Triều Tiên kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên có ảnh hưởng rất lớn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm tới Trung Quốc vào cuối tháng 3 vừa qua. Nội dung cuộc hội đàm không được tiết lộ nhiều cho công luận nhưng Triều Tiên đã có những thay đổi tích cực kể từ sau chuyến thăm này. Theo đó, Bình Nhưỡng cam kết sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Bắc Kinh để thảo luận các biện pháp giải trừ hạt nhân và thiết lập các cơ chế hòa bình tại bán đảo này. Các nhà phân tích cho rằng, với sự ủng hộ của Trung Quốc, Triều Tiên đã có những hành động thiết thực cho thành công của cuộc họp Thượng đỉnh liên Triều.

Gần đây nhất, ngày 2-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Triều Tiên. Có thông tin cho rằng, đây là chuyến đi mở đường để có thể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Triều Tiên trong thời gian sớm nhất. Báo chí dẫn lời ông Vương Nghị nói với người đồng cấp của mình rằng "Trung Quốc hy vọng cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ diễn ra suôn sẻ và đạt được những tiến triển thực chất". Như vậy, Trung Quốc cũng ủng hộ cuộc họp Thượng đỉnh Triều Tiên – Mỹ, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 này.

Trong khi đó, Mỹ có những bước tiếp cận kín đáo, dè dặt hơn nhưng cũng tích cực hơn. Giám đốc CIA, bây giờ là Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo đã có chuyến thăm bí mật tới Triều Tiên hồi đầu tháng 4 và gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chỉ riêng chuyến thăm này đã nói lên thiện chí của cả hai bên trong việc tiến tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Thế cờ gần như đã rõ khi Mỹ và Trung Quốc đều “bật đèn xanh” cho một giải pháp chính trị nhằm hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Triều Tiên và Hàn Quốc đã có những bước đi thực chất để thúc đẩy tiến trình này. Tuy vậy, kết quả cuộc họp Thượng đỉnh giữa nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là câu trả lời cuối cùng cho mọi nỗ lực gần đây. Mỹ hiện có gần 3 vạn quân đồn trú ở Hàn Quốc và Mỹ cho rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đe dọa tới an ninh của mình. Triều Tiên cũng lo ngại Mỹ có thể sẽ tấn công mình bất kỳ lúc nào.

Dù kết quả cuộc họp ra sao thì việc lãnh đạo của hai nước gặp nhau đã là một tín hiệu tốt cho hòa bình. Tiến trình phi hạt nhân và xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có nhanh hơn và thực chất hơn hay không còn phụ thuộc vào thành ý, niềm tin và sự nhượng bộ của mỗi bên.

Nguyễn Ngọc Hưng