Chưa đến 15 năm sau khi gia nhập KGB với 2 lần được cử đi công tác nước ngoài, đại tá Za-pa-rô-xki hầu như đã có được tất cả những gì mà bất cứ một người dân bình thường nào tại Liên Xô thời đó (1990) đều mơ ước: xe hơi đời mới, biệt thự, phương tiện nghe nhìn... và 2 căn hộ.

Dù thành tích không quá nổi bật, ông ta vẫn biết cách “thể hiện” mình, do vậy, được đánh giá là một “tình báo viên chuyên nghiệp”, một “chuyên gia phân tích có nghề” và được chuyển sang Cục Phản gián Ngoài nước thuộc SVR (Cơ quan Tình báo Ngoài nước), với vị trí Phó trưởng Ban châu Mỹ. Lúc này là năm 1994.

Những hồi chuông cảnh báo đầu tiên trong các cơ quan tình báo Nga bắt đầu nổi lên vào năm 1997, sau khi một số chiến dịch do SVR phối hợp tổ chức cùng FSB (Cơ quan An ninh Liên bang) bị phía Mỹ dễ dàng vô hiệu hoá. Bắt đầu xuất hiện sự nghi ngờ là nội bộ SVR có kẻ nội gián. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phỏng đoán, do vậy, trước hết cần tiến hành kiểm tra tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Điều này đã đánh động Za-pa-rô-xki. Ông ta bắt đầu lo lắng; nhiều lần các đồng nghiệp bắt gặp viên đại tá mở đầu ngày làm việc với vài li Whisky, song mọi người cho là do công việc căng thẳng.

Tháng 8-1997, Za-pa-rô-xki bất ngờ xin thôi việc vì “lí do sức khoẻ”. Điều này thật vô lí vì ông là “người quan trọng” nên biết hơn ông sức khỏe tốt, hay xấu là cơ quan quản lý ông.

Sau khi nghỉ việc, Za-pa-rô-xki lập tức cắt bỏ mọi liên hệ với cơ quan, bạn bè. Không ai biết ông ta ở đâu, làm gì. Đôi khi Za-pa-rô-xki gọi điện cho một số đồng nghiệp cũ, nhưng khi được đề nghị cho số máy thì từ chối, lấy cớ là đang tiến hành “hoạt động kinh doanh”, thường xuyên đi lại giữa Ka-li-nin-grát và Xanh Pê-téc-bua nên không có chỗ ở cố định. Thật ra, đó chính là thời gian Za-pa-rô-xki bí mật sang Pra-ha để gặp gỡ các nhân viên CIA, yêu cầu được chạy sang Mỹ.

Do đây là một con mồi bự, từng có nhiều “thành tích” với tình báo Mỹ, nên đích thân Trưởng trạm CIA tại Mát-xcơ-va Xtê-vân Ka-pét (Steven Kappes) đã đứng ra lo chuyện này. Thế rồi vào một ngày tháng 6-1998, gia đình Za-pa-rô-xki rời Mát-xcơ-va mà không nói một lời với ai, không một ai biết. Chỉ trước đó 1 ngày, bà vợ Ga-li-na tiết lộ với hàng xóm rằng chồng bà ta chuẩn bị đi công tác – vì mọi người xung quanh vẫn nghĩ Za-pa-rô-xki vẫn còn làm việc. Sang đến Mỹ, Za-pa-rô-xki tiếp tục trượt dài trên con đường phản bội bằng cách cung cấp cho phía Mỹ nhiều thông tin gây phương hại cho lợi ích quốc gia Nga.

Trong vụ việc này, sai lầm đầu tiên mà SVR phạm phải là đã không đánh giá đúng bản chất của Za-pa-rô-xki, nhất là đã bỏ qua những dấu hiệu bất bình thường nảy sinh ở Za-pa-rô-xki. Hơn thế, cơ quan quản lý còn “quên” không thu lại cuốn hộ chiếu của y. Sự cẩu thả này đã khiến SVR phải trả giá đắt.

Rất may là SVR đã kịp tổ chức thành công một chiến dịch ru ngủ, đánh lừa và đã khéo léo nhử được Za-pa-rô-xki “về thăm Tổ quốc”, với tư cách là một thương gia thành đạt tài trợ cho một hoạt động của các cựu nhân viên SVR. Ngày 9-11-2001, Za-pa-rô-xki trở về Mát-xcơ-va với một danh sách những đối tượng có thể tuyển mộ do Xtê-vân Ka-pét cung cấp, một vé máy bay khứ hồi cùng 10.000 USD tiền “tài trợ”. Ngay khi đặt chân xuống sân bay Sheremetrevo, một chiếc xe sang trọng đã chờ sẵn viên cựu Đại tá ngay tại đường băng. Bị 2 nhân viên ngồi kẹp chặt hai bên, Za-pa-rô-xki gầm lên tuyệt vọng như một con thú sa bẫy.

Công việc điều tra kéo dài suốt nửa năm. Ngày 11-6-2003, Toà án quân sự Mát-xcơ-va đưa ra phán quyết cuối cùng bằng cái án 18 năm tù giam dành cho kẻ phản bội Tổ quốc.

Nguyên Phong