Hành động này của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc.
Những hành động đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông của Trung Quốc liên tục bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, phản đối. Hôm 10-10, trả lời Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ-Đô đốc Harry Harris khẳng định hải quân nước này chuẩn bị điều tàu chiến đến khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Ông Harris cho biết: “Công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Chúng tôi đã đệ trình vài phương án lên Tổng thống, sẽ căn cứ vào quyết định để triển khai hành động tương ứng”. Còn tại hội nghị “Sức mạnh trên biển 2015” do Hải quân Hoàng gia Australia tổ chức ở Sydney ngày 7-10 với sự tham gia của các quan chức hải quân đến từ khoảng 40 quốc gia, trong đó có Phó tư lệnh Hải quân Trung Quốc-Điền Trung, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương-Đô đốc Scott Swift cho biết: Hoa Kỳ sẽ thách thức tất cả những hành động gây trở ngại cho tự do đi lại ở Biển Đông, nếu không “cường quyền là công lý” sẽ trở thành quy tắc mới ở trên biển và trên đất liền.
Trong một diễn biến liên quan, tạp chí News Week ngày 10-10 dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc yêu cầu giấu tên, nói thẳng: “Còn 209 thực thể đất đai ở Biển Đông vẫn “còn trống” và chúng tôi có thể chiếm tất cả chúng. Chúng tôi có thể chiếm lấy chúng trong vòng 18 tháng”. Tuy nhiên, một học giả ở Thượng Hải-tác giả của nhiều cuốn sách về quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ cũng nói với News Week về lời khuyên của ông dành cho Bắc Kinh: "Tôi khuyên Chính phủ Trung Quốc không nên làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Một thắng lợi ngắn hạn có thể trở thành một rắc rối lâu dài với Trung Quốc. Đừng tham bát bỏ mâm”.
Đức Bình