Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột.
Báo tháng 4 - Ngày 23-2-1972, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ "Tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị của địch, giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum; khi có điều kiện phát triển xuống Plei Ku, mở rộng vùng căn cứu tây Gia Lai, Đắk Lắk, hình thành một vùng căn cứu địa hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ miền Đông Nam Bộ" .
Căn cứ vào quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương giao, BTL Mặt trận quyết định chọn khu vực Bắc Tây Nguyên, bao gồm Kon Tum vả Gia Lai để mở chiến dịch tiến công. Lực lượng tham gia chiến dịch có 2 sư đoàn và 4 trung đoàn BB, 5 trung đoàn binh chủng, 6 tiểu đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng...
Như nhiều tài liệu đã phản ánh, theo kế hoạch, chiến dịch diễn ra làm hai đợt: Đợt 1 (30-3 đến 24-4) tiến công đánh chiếm các cứ điểm phía tây sông Pô Kô, bắc Võ Định, các điểm cao 1015, 1049 rồi tiến công giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh. Đợt hai (25-4 đến 5-6) tiến công giải phóng thị xã Kon Tum, sau đó phát triển xuống thị xã Plei Ku.
Kế hoạch là vậy, nhưng trên thực tế, lại không thành công. Ta đã không giải phóng được thị xã Kon Tum, trong khi bộ đội bị thương vong nhiều, trong khi thời cơ thuận lợi đã mở ra cho ta sau chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh? Đó là câu hỏi làm day dứt không ít cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên lúc bấy giờ.
Sau khi mất cụm cứ điểm tiền đồn bảo vệ Tây Nguyên ở phía Bắc, quân địch rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn. BTL Quân khu 2 ngụy lập tức dồn lực lượng về lập tuyến phòng thủ mới ở Kon Tum, lấy Sư doàn 23 làm lực lượng nòng cốt. Trong khi đó về phía ta, ngay sau chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh, Đại tưởng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho BTL Mặt trận Tây Nguyên phải kịp thời nắm thời cơ, đưa lực lượng xuống Kon Tum vì lúc này "đưa một đại đội xuống cũng có giá trị như một trung đoàn".
Thực tế, tại chiến trường lúc bấy giờ cho thấy đúng là địch đang hoang mang và có nhiều sơ hở, lực lượng mỏng yếu; nhưng ta cũng đang gặp khó khăn về công tác bảo đảm hậu cần, đường cơ động. Trước tình hình đó, Đảng ủy Mặt trận đã quyết định tiến công tiêu diệt địch ở nam Võ Định, Kông Trăng Klả trước để mở đường vận chuyển và bổ sung hậu cần, rồi mới tiến công thị xã Kon Tum sau. Bởi vậy mà thời điểm tiến công thị xã Kon Tum bị chậm so với kế hoạch ban đầu nửa tháng (theo kế hoạch là mở màn vào đầu tháng 5, nhưng mãi đến ngày 14 - 5 mới bắt đầu). Trong khoảng thời gian đó, địch đã kịp thời trấn tĩnh và bổ sung lực lượng, bố trí lại thế trận phòng thủ thị xã Kon Tum một cách vững chắc hơn.
Kế hoạch tiến công thị xã Kon Tum được thực hiện làm hai bước. Bước 1, tiến công các mục tiêu ở vùng ven thị xã, tiêu diệt một phần sinh lực Sư đoàn 23, làm cho quân địch suy yếu. Bước 2 tập trung lực lượng tiến công đánh chiếm thị xã Kon Tum. Trong quá trình tiến công các mục tiêu ở vùng ven, tuy ta đã đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 của Sư đoàn 23, nhưng lực lượng ta bị tổn thất khá lớn và một số trận đánh vào Côn Tiêu, Lôi Hổ cũng không thành công. Một số đơn vị gặp khó khăn về bảo đảm hậu cần, quân số hao hụt không được bổ sung kịp, tốc độ tiến công bị chậm lại, trong khi mùa mưa lại sắp đến... Khó khăn chồng chất khó khăn. Mặc dù vậy, BTL chiến dịch vẫn quyết định tập trung lực lượng tiến công đợt hai giải phóng thị xã Kon Tum.
Đêm 24-5, trận tiến công thị xã Kon Tum mở màn. Sau ba ngày tiến công, mặc dù các lực lượng của ta đã đánh chiếm và làm chủ được một số mục tiêu quan trọng như Ngọc Hồi, Bệnh viện dã chiến, khu cơ giới, các tổng kho 40, 41, sân bay... song trước lá chắn phòng thủ kiên cố và sự phản công điên cuồng của địch, các mũi đều không thể tiến công đột phá tiếp để đánh chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum.
Trước tình hình trận đánh bị chững lại, bộ đội bị thương vong nhiều, BTL chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch vào đêm ngày 5 rạng ngày 6-6-1972.
Trận đánh không thành công chủ yếu do BTL chiến dịch chưa tận dụng được thời cơ khi mà quân địch đang rơi vào trạng thái hoảng loạn; công tác chỉ đạo, chỉ huy không bám sát tình hình, cán bộ không sát dưới, Mặt trận lại không có lực lượng dự bị chiến dịch đủ mạnh... Bởi vậy chưa giải phóng được thị xã Kon Tum và Plei Ku, chưa tiêu diệt được nhiều đơn vị cơ động và lực lượng tổng dự bị của địch như mong muốn của Bộ Tổng Tư lệnh cũng như yêu cầu chiến lược đề ra.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan đó còn có một số nguyên nhân khách quan khác, như điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hệ thống đường cơ động lực lượng chưa phát triển kịp; công tác bảo đảm hậu cần, bổ sung quân số chưa được kịp thời...
Dẫu vậy, trận đánh này đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý không chỉ cho BTL chiến dịch, mà cho cả cán bộ, chiến sĩ toàn Mặt trận Tây Nguyên. Chính vì rút ra được những bài học kinh nghiệm từ trận đánh không thành công ấy mà trong chiến dịch Tây Nguyên diễn ra gần 3 năm sau đó (4-3 đến 3-4-1975), Quân đoàn 3 cùng quân và dân Tây Nguyên đã giành chiến thắng và thắng một cách triệt để, gìòn dã.
20 năm sau (năm 1992), khi nhắc đến trận tiến công thị xã Kon Tum - một trong những trận đánh then chốt của chiến dịch nhưng không thành công, trên gương mặt vị tưởng huyền thoại từng có nhiều gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo thoáng đượm buồn.
Vị tư lệnh Mặt trận buồn vì trận đánh không thành công ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972. Tuy vậy, với ông, "Dù thất bại ở Kon Tum, vẫn phải cám ơn thực tiễn chiến tranh đã cho ta bài học xương máu là khi tạo được thời cơ thuận lợi trực tiếp thì người chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch phải kiên quyết nhanh chóng cho phát triển tiến công”.
PGS.TS Trần Ngọc Long