Ngày 26-12-1968, tại Thanh Khê (Đà Nẵng) đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa biệt động quận Nhì và cảnh sát, quân cảnh ngụy. Sự kiện diễn ra đã hơn nửa thế kỷ, nhưng tôi không thể nào quên được những phút giây nghẹt thở cùng đồng đội chiến đấu để thoát khỏi vòng vây của địch.
Trước đó, tối ngày 23-12-1968, lực lượng biệt động quận Nhì tổ chức tập kích đồn bảo an Phú Lộc. Trận đánh đã gây hoang mang cho địch, không những ở vùng ven mà ngay trong thành phố chúng cũng bị đánh. Lúc này, Đội biệt động quận Nhì được chia làm hai tổ. Một bố trí tại nhà mẹ Nhu gồm 4 người là Lữ H., Trần Đình Trung, Nguyễn Thị Tám và Nguyễn Văn Huề. Tổ còn lại gồm có Nguyễn Thanh Phương, Ngô Văn Mười, Nguyễn Đình Năm và Trần Văn Chi, trú trong kho chứa muối nhà mẹ Hiền.
Chuẩn bị cho nhiệm vụ trong thời gian tới, tối 25-12, Lữ H. - Quận đội phó, tổ chức họp tổ bên nhà mẹ Nhu và tuyên bố: “Phát huy trận đánh ở Phú Lộc, tuy ta không thu được vũ khí nhưng gây được tiếng nổ trong thành phố”. Khoảng nửa đêm, anh ta thông báo sang tổ bên nhà mẹ Hiền để nắm tình hình. Như thường lệ, tôi - Nguyễn Thị Tám là người địa phương nên được phân công dẫn Lữ H. đi. Nhưng hôm ấy, anh ta nói: “Hôm nay, tôi biết đường rồi. Tôi tự đi”. Nghĩ đó là điều bình thường nên tôi cũng không quan tâm. Chúng tôi không ngờ Lữ H. đã đi thẳng lên đồn cảnh sát Thanh Khê chiêu hồi. Sau này, chúng tôi được nhân chứng kể lại, lúc 3 giờ sáng ngày 26-12, địch cử 200 tên cảnh sát dã chiến bí mật bao vây xóm Thanh Hòa (Thanh Khê, Đà Nẵng).
Sáng hôm ấy, khi địch ập vào, tôi quá bất ngờ, giật mình. Vì hầm bí mật nhà mẹ Nhu đến con trai cả của mẹ cũng không biết được. Mẹ vẫn bị bà con cho là khó tính, khó gần. Thời gian tôi còn hoạt động hợp pháp, đóng vai người đi ở cho nhà ông Bốn, thường xuyên nằm sát nách vẫn không hề biết nhà mẹ Nhu nuôi cộng sản. Vẫn như mọi buổi sáng, các anh mở đài nghe tin tức, tình hình chiến sự, quây quần trò chuyện, chưa vội xuống hầm. Anh Long - con trai mẹ Nhu, đến giờ đi làm, định bước ra sân, chợt phát hiện lính vây, liền bảo: “Các đồng chí xuống hầm ngay, có địch đi ráp rồi”. Ba anh em tôi vội vàng tụt xuống hầm. Sau khi ngụy trang cẩn thận, anh Long bình thản đi ra. Tụi cảnh sát dã chiến đã ập vào sân. Tên chỉ huy hỏi: “Mày có phải là Phạm Phú Long không?”. Anh đáp: “Phải”. Hắn hỏi tiếp: “Hầm bí mật đâu? Chỉ ra!”. Anh trả lời: “Nhà tôi không có hầm”.
Ngồi dưới hầm, tôi nghe chúng dùng báng súng đánh anh Long như giã gạo. Mẹ Nhu từ trong nhà bước ra, hỏi: “Con tui có tội tình chi mà ông đánh?”. Tên chỉ huy gầm lên: “À! Con già ni cứng đầu. Đưa thằng ni đi”. Chúng giải Phạm Phú Long đi, tiếp tục đánh mẹ Nhu. Tiếng báng súng của địch nện xuống thân thể gầy yếu của mẹ làm chúng tôi xót xa và căm thù đến tột cùng. Mỗi khi mẹ ngã xuống, chúng lại kéo lên, đánh tiếp. Đón trước tình thế, chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu. Phía trên, tiếng mẹ Nhu đứt quãng: “Tui ở giữa thành phố này mà nuôi cộng sản thì các ông là đồ ăn hại”. Tên chỉ huy điên tiết: “Con già này nuôi cộng sản còn cứng đầu. Bắn!”. Sau tiếng súng nổ, không còn tiếng đánh đập, chúng tôi biết mẹ đã hy sinh.
Địch sục sạo xăm hầm. Ngay sau khi mẹ Nhu hy sinh, biết sớm muộn gì cũng bị địch phát hiện, chúng tôi lấy tấm ảnh Bác Hồ được giấu kỹ trong hầm ra, hứa với Bác sẽ chiến đấu đến cùng để trả thù cho mẹ và nhân dân. Anh Huề phân công: “Huề sử dụng súng AK và lựu đạn. Trung cũng vậy. Còn Tám dùng súng K54 và cầm theo bao đạn AK phục vụ chiến đấu cùng một quả lựu đạn để tự hủy khi bị địch bắt”. Ban đầu, tôi ngồi cạnh miệng hầm, nhưng anh Huề bảo: “Tám vô trong để anh ra cửa hầm”. Địch xăm đúng lỗ thông hơi. Một tên lính reo to: “Lỗ thông hơi đây rồi”. Anh Huề đã rút sẵn chốt lựu đạn. Khi bọn khui hầm vừa giật nắp, định nhào vô bắt sống, Huề tung luôn hai quả M26. Không cho địch kịp phản xạ, anh nhảy lên xả súng vào những tên sống sót. Trung nhảy lên và tiếp tục bắn. Tôi xách bao đạn AK di chuyển theo. Địch vẫn quyết tâm bắt sống, ném lựu đạn cay vào. Chúng tôi bình tĩnh lấy khăn ướt đắp lên mặt. Trong khi đó, địch tiếp tục điều động bổ sung lính nghĩa quân quận Nhì bao vây khu vực Thanh Khê. Anh Trung bảo: “Tám ra lấy khẩu AR15 của địch để chiến đấu”. Nhặt khẩu súng của tên địch vừa bỏ mạng, tôi tiện tay cầm luôn 4 quả lựu đạn. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển qua nhà ông Tư. Trên đầu, máy bay địch gọi hàng. Chúng gọi đúng tên các chiến sĩ biệt động Tám, Huề, Trung, Năm... “Các bạn không còn đường nào thoát hết. Chúng tôi đã bao vây chặt. Nhân dân tản cư ra khỏi vùng”. Các anh bắn trả lời. Chúng vội cút thẳng...
(còn nữa)
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám kể, Nguyễn An Khánh ghi