Tối tân vẫn tỏa mùi
Điểm “tham quan” đầu tiên là các chuồng bò dày đặc, cũng là đại bản doanh của TH tại xã Nghĩa Sơn. Qua cổng, nhân viên cảnh giới, xịt thuốc khắp các bánh xe, phòng dịch cho bò. Trong chuồng, hàng nghìn “cô” bò đi lại và xử lý “đầu ra” ngay trên nền chuồng nâu đen, tơi xốp. Đây là cách thức xử lý khô, không tưới nước mà ngành nông nghiệp của ta đang khuyên dùng với tên gọi là “đệm vi sinh”.
Ông Tal Cohal-Giám đốc Afimilk-đơn vị tư vấn cho dự án TH-chuyên gia người Israel cho biết: “Nền chuồng được cày xới, quạt khô hằng ngày. Phân bò, nước tiểu được trộn đều với hỗn hợp mùn cưa được các vi sinh vật háo khí nhanh chóng cho lên men, tạo ra khí CO2 và NO2. Khí này không mùi, không gây hiệu ứng nhà kính. Bò được nghỉ ngơi và đi lại thoải mái trên nền mềm, không gây hại đến móng và đầu gối nên cho nhiều sữa hơn. Sau một thời gian, nền chuồng được xử lý thành phân vi sinh đem đi rải trên đồng cỏ”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, dù gì trong “nhà máy phân sinh học” này không dễ thở. Mùi phân vừa rơi rớt chưa kịp lên men, mùi ngai ngái từ các con bò vẫn tỏa ra khắp trại. Ông Tal Cohal cho hay: “Ở nước tôi, trại bò cũng có mùi ngai ngái như thế này”.
Vẫn theo ông Tal Cohal, khi bầu vú căng sữa và đến giờ vắt sữa, các “cô” bò tự động sang khu vắt. Trên lộ trình này, chúng được tắm, rửa nên sinh hỗn hợp dung dịch sền sệt và dậy mùi dưới nền xi măng ở khu vắt. Hỗn hợp nước, phân này được dẫn về nhà máy xử lý nước thải ở cuối trại. Tại đây, hỗn hợp được xử lý bằng phương pháp cơ học và hóa sinh: Chất rắn được tách riêng; nước được lọc cho đến khi đạt tiêu chuẩn (quan sát thực tế thấy trong, hơi ngả vàng) để trả lại môi trường.

Bà Bùi Minh Thơm-đại diện TH true MILK cho biết: Mỗi khu xử lý nước thải và nhà máy xử lý phân vi sinh được xây dựng cho từng cụm trại trị giá hàng trăm tỷ đồng, được nhập khẩu hoàn toàn từ Hà Lan, Israel, Đức... Quan sát kỹ, chúng tôi thấy, đến cả chiếc máy bơm cũng mang nhãn “made in Germany” (Đức); rõ ràng, TH không xử lý môi trường theo kiểu trình diễn. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại nhưng trại bò của TH không thể ngăn hoàn toàn sự lan tỏa của mùi phân bò; các chuyên gia Israel cũng thừa nhận đã là trại bò, hiện đại đến mấy, không tránh được mùi hôi, ruồi muỗi. Giải pháp cuối cùng là di dời dân ra xa dự án; nhưng các bên chưa tìm được tiếng nói chung…

**Bế tắc giải pháp tái định cư **
Qua các xóm Tân Lâm, Đông Lâm (xã Nghĩa Lâm) gặp gỡ và làm việc với một số người dân, chúng tôi nhận thấy rõ những ánh mắt khắc khoải của sự chờ đợi, mong muốn được nhận tiền đền bù và tái định cư.
"Chúng tôi đã gắn bó với mảnh đất này bao đời nay, chẳng ai là muốn dời xa cả. Trước đây, chúng tôi còn nấn ná không muốn đi, nhưng giờ, chỉ mong chính quyền địa phương nhanh chóng đền bù, để chúng tôi được tới nơi ở mới ổn định làm ăn"-một người dân chia sẻ.
Thiết nghĩ, để xử lý dứt điểm vấn đề mùi, chỉ có cách di dời các hộ dân ở sát cạnh trại bò ra xa dự án để vừa tránh ô nhiễm cho hộ dân, vừa tránh cho bò của TH (45.000 con) có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các chuồng nuôi gia súc của hộ dân.
Tuy nhiên, giải pháp này bị chậm vì nhiều lý do nên TH đang thực hiện các biện pháp ngắn hạn để cầm cự. Giải pháp trước mắt, trong thời gian qua TH cho thực hiện vận chuyển phân bằng xe đặc chủng có mui che và chỉ chạy vào ban đêm; phun thuốc diệt ruồi muỗi, dịch bệnh định kỳ cho các hộ dân... Bên cạnh đó TH cùng cơ quan ngành môi trường thường xuyên quan trắc để giữ các chỉ số trong ngưỡng cho phép.
"Một dự án có quy mô lớn không tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Nhưng với mục tiêu thay đổi cơ bản ngành nông nghiệp, người nông dân và cả người dùng sữa nên mong dư luận, nhân dân nhìn toàn cảnh, cân nhắc đến lợi ích tổng thể; mong người dân được tạo điều kiện cho quá trình tái định cư được thực hiện nhanh chóng”-ông Lê Khắc Cương-Tổng giám đốc Công ty CP ứng dụng công nghệ cao TH đề nghị.
Nói về việc tái định cư, ông Lê Hồng Sơn-Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn (nơi trực tiếp chịu trách nhiệm về tái định cư) cho biết: Khu tái định cư được thiết kế với đầy đủ hạ tầng; nhà mẫu từ 1 đến 3 tầng (hộ dân được trả góp trong vòng 15 năm hoặc trừ một phần số tiền bán cây xanh làm thức ăn cho bò của TH); cấp 3 sào/hộ dân theo bình quân quỹ đất của Nghĩa Đàn; hỗ trợ giống và kỹ thuật, phân bón và thu mua sản phẩm của dân; TH hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ dân; tạo việc làm cho con em (hiện có hơn 1.000 con em làm tại TH), hỗ trợ học bổng cho con em các hộ giao đất học trung cấp, cao đẳng, đại học với thành tích khá trở lên 500.000 đồng/tháng… Chủ trương là thế, chúng tôi mong muốn người dân hợp tác-ông Sơn mong muốn.
Vẫn theo ông Sơn, TH đã ứng hàng chục tỷ đồng để thực hiện di dời (trước mắt là 25 hộ), số còn lại chưa làm ngay được vì địa phương chưa thể bố trí cùng kinh phí giải phóng mặt bằng (gần 4.000ha đất), xây dựng đường điện cao thế, đường nhựa… Trong khi, nhiều hộ muốn được nhận tiền đền bù và tự xây dựng nhà ở, không muốn theo phương án tái định cư.
Bài và ảnh: Chính Nhi-Lê Thanh