Hội nghị T.Ư 8 thống nhất ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Nói đến đảng viên, người ta nghĩ ngay đến vai trò tiên phong gương mẫu của người đó trước tiên, từ lời nói đến hành động thực tế.

Nhìn rộng ra toàn xã hội, từ ngàn xưa dân tộc ta vẫn coi sự nêu gương là trách nhiệm “bất thành văn”. Điều này thể hiện qua nhiều mối quan hệ chằng chịt giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, giữa anh chị và các em, giữa thầy cô giáo và học sinh, giữa học sinh lớp trên với học sinh lớp dưới, giữa người nhiều tuổi và người ít tuổi hơn, giữa bạn bè với nhau...

Trong bối cảnh hiện nay khi nhiều giá trị văn hóa, đạo đức bị đảo lộn thì sự nêu gương và noi gương bị xem nhẹ, thậm chí bị xem thường, là điều ngược lại với quy luật của một xã hội tiến bộ. Nó gây tác hại lớn cho Đảng ta.

Tại Hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư Đảng Khóa XII (tháng 10-2018) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu nêu rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...”.

BCH Trung ương quyết định và giao cho Bộ Chính trị hoàn chỉnh ban hành Quy định về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành.

Toàn Đảng, toàn dân đặt nhiều kỳ vọng ở bản Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực nêu ở trên.

Nêu gương là trách nhiệm cao quý của mỗi người và mọi người.

Nguyễn Quang