Theo đó, các chức danh do Quốc hội bầu sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các Phó thủ tướng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ. Kết quả bỏ phiếu tín hiệm sẽ được công bố công khai, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội sau hai lần liên tiếp sẽ phảii xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.
Thực tiễn chỉ ra rằng, cuộc sống đòi hỏi, yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền buộc Quốc hội phải có chính kiến, có trách nhiệm về việc làm của mình với tư cách là đại biểu của dân. Cách làm này sẽ mở đường cho việc loại bỏ kiểu cán bộ “không dấu ấn”, nhạt nhẽo, kém hiệu quả và đặc biệt là sa sút về phẩm chất. Các chức danh lãnh đạo cao cấp của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ lại càng phải ý thức hơn về thước đo sự hài lòng của dân về công việc mà họ đang được giao. Muốn có uy tín thì phải hành động thật sự, chứng tỏ tài năng thật sự, chứ không phải chỉ bình bình, không cần làm gì nổi bật, chỉ cần không khuyết điểm, không ký cái gì sai là đương nhiên ngồi hết nhiệm kỳ.
Có thể nói, lấy phiếu tín nhiệm hằng năm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn cũng là cách để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, mỗi đại biểu sẽ có trách nhiệm hơn khi bấm nút biểu quyết những vấn đề trọng đại của đất nước; họ sẽ gần dân hơn, tăng cường giám sát chất lượng làm việc, điều hành của những vị lãnh đạo do mình bầu ra. Còn đối với những người đang nắm giữ các chức danh do Quốc hội bầu, cũng thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện chức trách được giao và ý thức hơn trong việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức. Đây chính là thước đo mức độ hoàn thành công việc và người đang nắm giữ chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước phải biết để tự nhìn nhận lại mình mà làm việc tốt hơn. Ai uy tín thấp đến mức không thể đảm nhận chức vụ thì từ chức hoặc bị miễn nhiệm. Đó cũng là cách tốt để chúng ta có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài giỏi, những tấm gương về đạo đức công bộc trước mắt nhân dân.
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một nhu cầu bức thiết nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Người dân tin tưởng và kỳ vọng ở ý thức và bản lĩnh của các đại biểu Quốc hội trước mỗi lá phiếu tín nhiệm của mình. Bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm là bước tiến lớn trên đường thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Minh Anh