Nhìn lại những nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông trong thời gian qua, chúng ta thấy ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới việc gây tai nạn giao thông, gây nên những hậu quả hết sức thương tâm và thiệt hại vật chất vô cùng lớn… Việc này không ở đâu xa mà có thể là ngay mỗi chúng ta hay người nhà, bạn bè, đồng bào chúng ta khi tham gia giao thông. Mỗi khi ra đường, chúng ta lại dễ dàng bắt gặp cảnh người đi xe máy bất chấp đèn đỏ cứ vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, khi đường đông hoặc xảy ra tắc đường thì ai cũng muốn len lên trước bất chấp làn đường quy định, thậm chí tranh nhau, chưa phân biệt đúng sai, máu hiếu chiến nổi lên đã nhảy vào đánh chửi nhau gây sứt đầu mẻ trán. Hay khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều người chủ quan không đội mũ bảo hiểm, hoặc là có đội nhưng chỉ đội loại mũ rởm chỉ vì mua ít tiền, chủ yếu là trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của cảnh sát giao thông. Hoặc là, khi xảy ra va quệt dù lớn hay nhỏ là người đi đường đổ xô vào để xem nhưng không ai cứu giúp cho người bị nạn. Hoặc là cảnh chở ba người, chở hàng cồng kềnh quá khổ, quá tải. Hoặc là có những người đi xe máy thải luồng khói đen sì, khét lẹt phun thẳng vào mặt người đi sau. Hoặc là chuyện hay xảy ra bấy nay là nhiều lái xe ô tô cứ liều mình cho xe băng qua đường tàu hoả mà không quan sát dẫn đến việc bị tàu hoả đâm vừa mất xe, vừa mất người… Còn hàng loạt những nguyên nhân khác, những chuyện thiếu ý thức chấp hành khác của người tham gia giao thông trên đường mà chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày - những chuyện rất đáng kể về chính ý thức văn hoá người tham gia giao thông là nguyên nhân chính gây nên những tai nạn giao thông hết sức đau lòng…
Đã trở thành nếp, cứ tháng 9 hàng năm, chúng ta lại thực hiện “Tháng an toàn giao thông”. Năm nay “Tháng an toàn giao thông” được tổ chức với chủ đề “Tháng văn hoá giao thông” với nội dung: có hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông; có ý thức trách nhiệm cao nhất đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hoá, hợp tác, giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông; Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện chưa đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông; không để xảy ra tai nạn giao thông khi tham gia giao thông.
Hiện nay, tai nạn giao thông và những hậu quả của nó vẫn là một thách thức rất lớn đối với toàn xã hội. Vì vậy, xây dựng và thực hiện văn hoá khi tham gia giao thông đang là yêu cầu quan trọng đặt ra với mỗi người, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Trước hết, đó chính là sự tuân thủ và có ý thức tự giác để chấp hành tuyệt đối các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tiếp đến và cao hơn nữa là những ứng xử một cách văn hoá, nhân văn mang đậm tình người mỗi khi tham gia giao thông. Mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông có thực hiện được tốt văn hoá giao thông, mới góp phần tích cực tạo bước chuyển biến mới về văn hoá giao thông trong toàn xã hội, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông, đem lại hạnh phúc cho mỗi người và cho mỗi gia đình.
Thực hiện tốt “Văn hoá giao thông”, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông chính là mỗi chúng ta đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông, đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho cộng đồng.
Thanh Huyền