Đối tác quan trọng hàng đầu
Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai bên nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2009 và thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh ở châu Á vào năm 2014. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt trên 28 tỷ USD năm 2015 và khoảng 6,4 tỷ USD trong quý 1-2016; là nhà đầu tư lớn thứ hai trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với hơn 3.000 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký trên 39 tỷ USD tính đến ngày 20-4-2016. Nhật Bản còn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam: Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2014 đạt hơn 27 tỷ USD; trong năm tài khóa 2015 khoảng 2,5 tỷ USD.
Nhiều dự án của Nhật Bản hoàn thành đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển KTXH của Việt Nam. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục Việt Nam. Hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, thảo luận các phương hướng, biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Hai bên đã ký kết 5 văn kiện, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD).
Vì hòa bình, phồn vinh của khu vực và thế giới
Hội nghị cấp cao G7 mở rộng được tổ chức với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea, Chad và một số tổ chức quốc tế như LHQ, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, Ngân hàng phát triển châu Á ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao G7 mở rộng, hoan nghênh các nước G7 trong đó có Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các nước G7 khắc phục những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như hạn hán, nước biển dâng, xử lý bền vững nguồn nước... Mặc dù chỉ vừa thoát khỏi danh sách những nước có thu nhập thấp, Việt Nam có nhiều đóng góp chung cho khu vực và thế giới, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam tích cực đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình của LHQ, kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực trong ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương.
Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Việc lần đầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng Shinzo Abe mời thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng sau khi được bầu làm người đứng đầu Chính phủ thể hiện Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị cao, coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất; đồng thời cho thấy Nhật Bản nói riêng, G7 nói chung coi trọng và đánh giá cao vai trò, uy tín của Việt Nam trong khu vực.
PV