Tham dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm và Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng và Thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp lần thứ hai, sau gần 3 tháng, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ đã đưa ra định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội, các giải pháp quy hoạch, bảo tồn, định hướng sử dụng đất, đồng thời đưa ra các ý tưởng ban đầu phát triển khu vực hành chính của Hà Nội, sử dụng đất, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, mạng lưới giao thông và chiến lược về môi trường, phòng chống lũ...Theo đó, từ nay đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ là một trong những thành phố phát triển bền vững của thế giới. Các mục tiêu chính là hiện đại hóa hệ thống các công trình hành chính, chính trị của Quốc gia và Thủ đô; xây dựng môi trường văn minh, hiện đại, an toàn, có cấu trúc kinh tế và đô thị tổng hợp, năng động và linh hoạt; giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội cùng các nền văn hóa khác trong vùng; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chiến lược phát triển không gian đô thị được Liên danh tư vấn đưa ra là tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về thành phố bằng cách thiết lập trục không gian gồm "mặt nước","cây xanh" và "văn hóa", phát triển hệ thống đô thị vệ tinh và xây dựng các vùng phát triển mới có ranh giới rõ ràng nhằm đáp ứng sự tăng trưởng dân số và việc làm, phát triển hạ tầng đồng bộ, tăng cường thể chế quản lý đô thị....Liên danh tư vấn đã phác thảo một số giải pháp ứng xử đối với các khu đô thị chức năng, từ đó xây dựng định hướng phát triển các không gian chính trong đô thị, bám sát tiêu chí “Xanh - Văn hiến-Văn minh- Hiện đại”.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đề xuất cụ thể những giải pháp về bài toán giao thông, không gian, quản lý đất đai, giữ và khai thác cảnh quan môi trường, kết nối hạ tầng đô thị và nông thôn, phòng chống lụt bão, vành đai và hành lang xanh…Các đại biểu nhấn mạnh, Đồ án Quy hoạch cần xây dựng phương án xử lý lũ lụt cụ thể trong bối cảnh biến đối khí hậu, mở rộng khu vực nông thôn, phát triển hành lang xanh gắn với kiểm soát mật độ dân cư, đồng thời lãm rõ thêm đô thị chức năng và đô thị vệ tinh, hạ tầng giao thông, kinh tế của dự án cũng như khả năng tài chính để triển khai, xây dựng qui chế quản lý quy hoạch, các hạng mục ưu tiên....Phương án quy hoạch Hà Nội cần được cụ thể hóa từ các quy hoạch cấu thành liên quan trực tiếp tới đặc tính “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” như quy hoạch giao thông, kế hoạch sử dụng đất, thiết chế văn hóa và không gian xanh. Theo đó, quy hoạch giao thông sẽ tập trung làm rõ các tiêu chí phát triển bền vững; phát triển các hình thức giao thông công cộng, kiểm soát và kiềm chế các phương tiện cá nhân, kiểm soát lưu thông tại các đô thị lõi, đô thị trung tâm. Ưu tiên đầu tư các trục hướng tâm, trục cao tốc song hành, đường vành đai. Về văn hóa, kiến trúc sẽ tập trung vào các công trình có tính biểu tượng mang dấu ấn của Thủ đô. Định hướng phát triển nông thôn, nông nghiệp, thủy lợi được điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, trong đó lấy nguyên tắc “ly nông bất ly hương” làm cơ sở....
Đồng ý với ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thủ tướng đánh giá cao việc Liên danh Tư vấn quốc tế PPJ đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra được ý tưởng cơ bản để xây dựng Hà Nội là “Thủ đô xanh, văn hiến - văn minh và hiện đại”. Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch Thủ đô với mục tiêu là xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng tầm Thủ đô 1000 năm văn hiến, một Thủ đô của đất nước công nghiệp phát triển với dân số hơn 120 triệu dân trong tương lai. Do vậy, PPJ tiếp tục bám sát yêu cầu để tiếp tục hoàn thiện cụ thể đồ án theo hướng lựa chọn mở rộng không gian đô thị Hà Nội theo phương án vừa có đô thị trung tâm, vừa có các đô thị vệ tinh. Cùng với bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, trong Đồ án Quy hoạch phải bảo đảm giữ gìn các sông, hồ đẹp về cảnh quan, sạch về môi trường...
Để ý tưởng khả thi, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hoạch định cần sớm hoàn thiện các quy hoạch cấu thành có liên quan trực tiếp tới đặc tính “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” của Thủ đô Hà Nội là hệ thống giao thông, thủy lợi, kế hoạch sử dụng đất, làm rõ các phương án bảo tồn phát triển thiết chế văn hóa và không gian xanh. Theo đó, Bộ Xây dựng cần phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo PPJ tiếp tục hoàn thiện phương án đã chọn, trong đó cần làm rõ quy hoạch về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, đồng thời xây dựng phương án phòng chống lũ bền vững. Thủ tướng cũng yêu cầu PPJ cần thể hiện rõ trên Đồ án tỷ lệ sử dụng đất cho đô thị, vùng đệm, vùng xanh, các đô thị chức năng, vùng nông thôn....cũng như hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với gia tăng dân số cơ học. Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ, ngành chức năng đề xuất cơ chế chính sách để sớm triển khai các dự án hạ tầng, đồng thời UBND thành phố Hà Nội cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng...
Thủ tướng chỉ đạo, các quy hoạch cấu thành cần sớm được hoàn thành, thẩm định đưa vào Quy hoạch chung để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chuyên môn trước khi trình Quốc hội vào đầu năm 2010./.

Theo TTXVN

A,Hoàng