Ở bài của tác giả, tôi thấy tiếc, thậm chí thất vọng một số vấn đề. Về câu chữ, tôi thấy có những câu rất khó hiểu, ví dụ như tác giả viết: “Tôi cho rằng những lo ngại trên thực tế đã xẩy ra rồi, và là do các đoàn thể không chịu thay đổi, chứ không phải vì họ thay đổi” (ý tác giả viết, là lo ngại hợp nhất các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp cơ sở sẽ dẫn đến làm suy yếu chức năng của các tổ chức này – NV)
Có lẽ do tác giả quá chú ý đến đưa đẩy câu chữ, nhưng không hiểu sâu vấn đề, thiếu thông tin nên câu trở nên trủng trẳng, vô nghĩa…
Còn về nội dung không có gì mới, thậm chí còn viết sai. Ví dụ: Tác giả viết: “Có những nơi chỉ có năm ba cựu chiến binh nhưng vẫn thành lập Hội Cựu chiến binh, với đầy đủ suất biên chế, định biên như quy định”.
Về vấn đề này, tôi xin cung cấp để tác giả hiểu cho đúng. Theo Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hệ thống tổ chức của Hội gồm 4 cấp: Trung ương; tỉnh; huyện; xã, phường, thị trấn (ở cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp (gọi là Khối 487) thì thành lập Hội CCB).
Cũng theo Pháp lệnh Cựu chiến binh, cấp xã phường, thị trấn là cấp cơ sở. Quy định, các cấp có từ 5 Hội viên CCB trở lên thì thành lập cơ sở Hội. Nhưng, trong thực tế, theo báo cáo thống kê của Hội CCB Việt Nam - tháng 12-2017 – cả nước có 11.164 Hội CCB cấp xã, phường thị trấn, thì không có Hội nào dưới 10 hội viên; hơn 80% có từ 100 hội viên trở lên. Thậm chí tại TP Hà Nội, toàn TP có tới 266.357 hội viên/868 hội cơ sở. Trong đó, Hội CCB phường Khương Trung, quận Thanh Xuân có tới: 1.725 hội viên; phường Khương Mai, quận Thanh Xuân: 1.879 hội viên; Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh: 1.800 hội viên; xã Ba Trại, huyện Ba Vì: 813 hội viên…
Về định biên (suất biên chế) theo quy định của Chính phủ, cấp Hội CCB xã, phường, thị trấn chỉ có 1 đồng chí Chủ tịch Hội trong biên chế của địa phương.
Hội CCB thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp (khối 487) kiêm nhiệm, chứ không phải như tác giả viết: “có đầy đủ suất biên chế, định biên…”.
Về kinh phí hoạt động, Tác giả viết: “Có những tổ chức hoạt động đến tháng 3 là hết tiền, chỉ đi vận động hoặc ngồi chơi xơi nước đến hết năm…”. Nói như thế là tác giả đã xúc phạm vào Hội CCB Việt Nam. Hội CCB Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp cơ sở hoạt động chủ yếu bằng kinh phí do các hội viên đóng góp. Kể cả trong công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát, giúp nhau làm kinh tế cũng từ vận động các hội viên giúp nhau “trên tình thương yêu giai cấp, hết lòng hết sức thương yêu đồng chí đồng đội, lúc thường cũng như lúc chiến đấu”. Điển hình như Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, từ tháng 8 - 2012 đến ngày 31 - 3 - 2018, các cấp Hội đã vận động kinh phí xây được 1.685 nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho các đối tượng chính sách, (cha, mẹ, vợ hoặc chồng liệt sĩ và thương binh), CCB nghèo đang thật sự khó khăn về nhà ở, trị giá 62 nghìn, 922 triệu đồng…
Cứ như trong bài viết thì 3 năm trước tác giả cũng đã từng “tham gia một nghiên cứu đánh giá chi phí kinh tế của đoàn thể ở một số địa phương, và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều cán bộ đoàn thể tâm huyết, nhiệt tình, và chấp nhận nhiều thiệt thòi cho công tác của tổ chức…”. Vậy sao những số liệu, những việc làm và hoạt động của Hội CCB Việt Nam, tác giả không biết, hoặc biệt rất không đúng?.
Nhân đây, tôi xin trích đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Hội CCB Việt Nam lần thứ VI – tháng 12-2017: “Những kết quả công tác và thành tích mà Hội CCB Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội CCB Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí xứng đáng là một chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và cảm ơn Hội CCB Việt Nam và toàn thể anh chị em CCB, CQN trong cả nước trong nhiệm kỳ qua…”.
Để hiểu thêm quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Hội CCB Việt Nam về công tác săp xếp, tinh giảm biên chế theo quan điểm của Đảng ta, tác giả có thể tham khảo nhưng bài viết về chủ đề: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, khóa XII của Đảng, đăng trong Chuyên mục Luận bàn - Báo CCB Việt Nam gần đây. Điển hình như bài báo: “Tinh giảm được không?”, của Nguyễn Hồng Hải (bút danh Nguyễn Hồng), Phóng viên chuyên trách của Tổng Bí thư, đăng số 1202, trang 15, ngày 16-11-2017 và bài “Hóa thân vào Nhà nước để cầm quyền” của TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đăng số 1223, trang 16, ngày 12-4-2018…
Tôi xin gửi tới tác giả lời chào đoàn kết.
**Huy Thiêm
**