Hằng trăm gốc na của người dân thôn Vân Giang (xã Xuân Vân) bị “hà bá” nuốt chửng vào thời điểm tháng 7 và tháng 8 vừa qua…

Khu vực đất soi bãi trồng cây ăn quả của người dân liên tục bị sạt lở, trôi tuột xuống dòng sông Gâm trong thời gian qua, gây thiệt hại kinh tế cho người dân Xuân Vân không hề nhỏ.

Đất đai, cây trồng bị “hà bá… nuốt chửng”

Phản ánh đến Báo CCB Việt Nam, người dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Từ đầu năm tới nay, đất canh tác nông nghiệp của người dân trên khu vực bãi Soi Đen, bãi Vân Giang tiếp giáp với sông Gâm liên tục bị sạt lở do thủy điện xả lũ và hoạt động khai thác cát.

Diện tích bị sạt lở kéo dài vài trăm mét, ăn sâu vào 20 đến 30m tại bãi Soi Đen, thuộc thôn Vông Vàng 2, đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Theo CCB Trần Ngọc Vĩnh và CCB Nguyễn Văn Bình, ở thôn Vông Vàng 2 chia sẻ: Từ đầu năm tới nay, đây là lần thứ 3, đất đai của người dân bị sạt lở. Một phần do hoạt động của hút cát và nhất là gần đây thủy điện Tuyên Quang xả lũ, khiến cho diện tích đất trồng na, bưởi của người bị “hà bá” nuốt chửng.

“Những hộ bị ảnh hưởng nặng nề phải kể đến hộ ông bà Đức - Chinh, hộ ông Trần Ngọc Vĩnh, hộ ông bà Thanh - Hòa; hộ nhà ông bà Minh - Ninh… Tổng số khoảng hơn 10 hộ bị sạt lở, với chiều dài hàng trăm mét…”.

Chỉ tính riêng hộ gia đình CCB Nguyễn Văn Bình, diện tích sạt lở khoảng 1 sào bưởi, xen lẫn cây trồng khác.

Tương tự, tại thôn Vân Giang, hiện tượng sạt lở còn khủng khiếp hơn! Một vạt dài hàng cây số đất soi bãi Vân Giang bị sạt lở, bắt đầu từ hộ gia đình bà Lý Thị Thanh đến điểm sạt lở cuối cùng trên đất trồng na của hộ bà Kiều Thị Hảo, với khoảng 100 hộ dân đang canh tác trồng na.

Theo bà Thanh cho biết: Đến thời điểm này, nhà bà đã mất khoảng 2 sào na. Hộ nhà anh Nguyễn Quang Phước - người cùng thôn với bà Thanh cũng bị mất 50 gốc na (gần 2 sào đất trồng na) đang cho thu quả. Trong khi đó, ghi nhận của PV tại hiện trường, hiện tượng nứt, lún trên diện tích đất canh tác trồng na của hộ bà Thanh và các hộ dân khác vẫn đang tiếp diễn; thi thoảng chúng tôi lại thấy một gốc na rơi xuống sông Gâm và chưa biết đến lúc nào đất đai, cây trồng của người dân mới dừng sạt lở?

Dân cho rằng nguyên nhân do hút cát, xả lũ?

Theo người dân, hiện tượng sạt lở xuất hiện nhiều hơn kể từ khi có doanh nghiệp về hút cát. Gần đây, thủy điện xả lũ nên hiện tượng sạt lở càng trầm trọng hơn.

CCB Trần Ngọc Vĩnh cho biết: Những năm trước, hiện tượng sạt lở tại bãi Soi Đen chỉ xảy ra phía trong bãi, nơi có đoạn suối giáp với khu dân cư chảy qua. Nhưng gần đây, tại phần phía ngoài sông (giáp khu vực khai thác cát của Công ty Ngọc Anh), hiện tượng sạt lở đất bãi của dân diễn ra khủng khiếp hơn.

“Đây là lần thứ 3 trong năm nay bị sạt lở. Cứ mỗi lần doanh nghiệp hút cát và các tàu thuyền chở cát gia tăng đi lại, tạo thành sóng đánh vào đất bãi của dân là lại bị lở đất. Nước dâng càng cao, lở đất càng nhanh. Gần đây, thủy điện Tuyên Quang xả lũ, hiện tượng sạt lở diễn ra càng trầm trọng hơn” - CCB Nguyễn Văn Bình cho biết.

Vẫn theo CCB Nguyễn Văn Bình, chỉ riêng đất canh tác của hộ gia đình nhà ông đã bị “hà bá” ăn sâu vào 20-30m; hàng chục cây bưởi da xanh đang cho quả bị dòng sông Gâm “nuốt chửng” trong thời gian qua.

Liên quan đến sạt lở đất của người dân, trước đó Báo CCB Việt Nam số 1553 đã có bài viết phản ánh về việc người dân Xuân Vân lo lắng đất soi bãi trồng cây của họ bị sạt lở, trôi xuống dòng sông Gâm.

Theo đó, ông Lê Hồng Việt - Chủ tịch UBND xã Xuân Vân thông tin về việc sạt lở đã xảy ra rải rác vài tháng nay. “Những ngày qua do mưa lũ, Thủy điện Tuyên Quang xả lũ thì hiện tượng sạt lở diễn ra nhiều hơn”.

Ông Việt cũng cho biết, về phía người dân phản ánh: Đối với những hộ dân có đất gần điểm mỏ của Công ty Ngọc Anh đang khai thác bị sạt lở, thì người dân cho rằng là do khai thác cát nên đất của họ bị sạt lở. Cũng có những điểm sạt lở không trong phạm vi khai thác cát của Công ty Ngọc Anh người dân cũng phản ánh đến chính quyền. Tuy nhiên, để có đánh giá cụ thể về nguyên nhân gây sạt lở cần có cơ quan chức năng đánh giá, kết luận.

Ngày 20-8, PV Báo CCB Việt Nam có nội dung đăng ký làm việc với Sở TNMT để làm rõ nguyên nhân gây sạt lở đất soi bãi cũng như quá trình thanh kiểm tra về việc khai thác cát sỏi của Công ty Ngọc Anh trong thời gian qua ra sao? Tuy nhiên, đến thời điểm bài báo này lên khuôn, mọi thông tin hồi đáp từ phía Sở TNMT vẫn chỉ là… im lặng - dù được biết lãnh đạo Sở này trước đó đã giao cho bộ phận Thanh tra Sở tiếp, cung cấp thông tin cho báo chí.

Bài và ảnh: Tư Hoành