Ngày 11-7, ngày “Dân số thế giới” nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khoẻ, bình đẳng giới…

Bình đẳng ở đây được xét trong một phạm vi rất rộng: số lượng các bé gái đến trường tương đương với số lượng các bé trai, các cơ hội kinh tế mở rộng cho phụ nữ, phụ nữ hoàn toàn có thể tham gia vào chính trị... Nạn phân biệt đối xử về giới tính là trở lực trong việc thực hiện bình đẳng thật sự. Hàng triệu bé gái đã biến mất khỏi thế giới này chỉ vì cha mẹ chúng chuộng sinh con trai hơn. Nghèo đói, kỳ thị giới tính và bạo lực, bệnh tật tiếp tục đang lan rộng, với trường hợp số ca nhiễm HIV/AIDS mới ở phụ nữ và thanh thiếu niên đang tăng lên tại mỗi khu vực... Rõ ràng, điều này góp phần làm bần cùng hóa cộng đồng mà chúng đang sống.

Có thể noi, một thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay là vấn đề mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh (nhiều bé trai hơn bé gái, ước khoảng 110 bé trai/100 bé gái). Số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số còn cho thấy, số lượng người cao tuổi ở nước ta đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác, nên chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể. Quá trình già hoá dân số thực sự bắt đầu khi tỷ lệ người trên 60 tuổi đã tiệm cận mức 10%. Đây là một điều đặc biệt bởi ở đa số các nước cơ cấu dân số già chỉ đến sau khi kinh tế đã phát triển, còn ở Việt Nam cơ cấu dân số già đến khi đất nước vừa mới bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình và đang có “cơ cấu dân số vàng”. Theo dự báo đến năm 2033, cứ 1 trẻ em sẽ có 1 người già và đến năm 2049 chỉ số này sẽ là 100 trẻ em có 141 người già. Với tốc độ này đến năm 2060, số người già sẽ gấp đôi số trẻ em dưới 15 tuổi. già hóa dân số đang được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản đến năm 2020. Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao, Việt Nam cần phải có những chính sách để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn. Trong đó, chính sách lương hưu là một trong những chính sách then chốt giúp người cao tuổi yên tâm sống vui, sống khoẻ và có ích cho xã hội.

Hưởng ứng ngày dân số thế giới, các CCB cùng với các ngành các cấp tiếp tục tuyên truyền, quan tâm chăm sóc lứa tuổi vị thành niên nhằm nâng cao chất lượng dân số… Thông tin đại chúng những điểm mới của Pháp lệnh dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để nâng cao nhận thức cho nhân dân, duy trì tỷ lệ phát triển dân số. Triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân về công tác dân số, KHHGĐ. Duy trì, mở rộng hoạt động các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và chất lượng dân số, tạo ra lực lượng hùng hậu cả trí tuệ, tài năng và sức khỏe cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai và xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

CCB Việt Nam