Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vùng đồng bào Khmer được quan tâm. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Khmer được chú trọng, số lượng cán bộ, đảng viên chủ chốt là dân tộc Khmer tăng hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn chậm. Một số chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer còn bất cập, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn; vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; tái mù chữ có chiều hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khmer vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer; nguồn lực đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer còn hạn chế; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; công tác chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ người Khmer chưa được quan tâm đúng mức.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời để vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Ban Bí thư có Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 10-1-2018 về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm: 1- Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer. 2- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 28-KL/TƯ, ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL đến năm 2020. 3- Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa mù chữ cho đồng bào. Xây dựng chương trình, quy chế thống nhất về nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với Trường bổ túc văn hóa Pali và chữ Khmer ở các cấp học và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. 4- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer, kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào Khmer; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu chùa chiền cho đồng bào dân tộc Khmer. 5- Thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer; bố trí hợp lý giữa cán bộ dân tộc Khmer với cán bộ dân tộc khác phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; chú trọng phát triển Đảng, đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc Khmer. 6- Làm tốt công tác vận động, nắm chắc tình hình nhân dân; tích cực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện tại cơ sở có liên quan đến yếu tố chùa chiền, tôn giáo ở địa phương, không để phát sinh những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Dương Sơn