Tác giả Bằng Giấy khen của Đài Tiếng nói Việt Nam trao tặng.  

Ngày 13-1-2012, những CCB Trung đoàn bộ binh 270 giới tuyến Vĩnh Linh, khu vực Hà Nội họp mặt, nhân kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập Trung đoàn. Hôm đó, chúng tôi được nghe anh Nguyễn Hữu Anh - nguyên Chính ủy Trung đoàn kể về những kỷ niệm sâu sắc nhất của anh trong đời quân ngũ, là chuyện làm giỗ đồng đội.

Anh kể: Xế chiều một ngày trong năm 1967, máy bay Mỹ dội bom xuống đồi 74, chúng nghi trên đỉnh đồi có người của ta đóng chốt quan sát. Nhận được điện báo, anh Nguyễn Hữu Anh cùng với một số anh em trong cơ quan Trung đoàn; trong đó có Thượng sĩ Ngô Heo - Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát lập tức cơ động đến đồi 74. Thì ôi thôi! Một dây bom của Mỹ đã rơi trúng đỉnh đồi, làm sập tan nát hầm trú ẩn. Anh Hữu Anh liền chỉ huy tất cả anh em đi theo, chạy quanhkhắp đồi vừa gọi tên vừa tìm kiếm từng người, nhưng bặt vô âm tín, chỉ thấy những nửa cánh tay, những mảng tóc đẫm máu tươi vương vãi khắp đồi, anh em đều nhặt gom lại và lấy vỏ lọ thuốc pê-ni-xi-lin ghi tên từng người, ngày hy sinh, đậy kín nắp và cho vào áo mưa ni lông, đem xuống chân đồi, đào hố chôn một chỗ, vần mấy hòn đá to để quanh mộ làm dấu để nhớ. Hôm đó tất cả anh em đều gào khóc như mưa, gọi tên từng người lính trinh sát của Trung đoàn đã mất; trong tiết trời tối như bưng...

Chuyện là thế. Nó đã trở thành một nỗi nhớ thương và khâm phục, đầy vơi mãi trong tôi... Cho mãi đến tháng 7-2012, kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam mở cuộc vận động viết lời mới cho các làn điệu dân ca. Thời gian đó tôi là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật CCBquận Hai Bà Trưng. Tôi mới lục tìm nhớ lại câu chuyện anh Nguyễn Hữu Anh kể về sự hy sinh của Tiểu đội trinh sát của Trung đoàn 270 giới tuyến Vĩnh Linh.

Như người bắt được của quý, nhân thể tôi liền đến nhà anh Nguyễn Hữu Anh ở 16A Lý Nam Đế,hỏi thì được biết thêm một chi tiết là đúng vào ngày Tiểu đội Trinh sát hy sinh, sau một năm, cũng anh em trong cơ quan Trung đoàn 270, mua đồ lễ mang đến mộ các chiến sĩ trinh sát hy sinh để làm lễ cúng giỗ đầu cho các anh. Nghe xong, tôi xúc cảm tột độ, liền viết bài hát chèo “Giỗ đồng đội”, theo điệu “Du xuân”, một làn điệu trong chèo, được sử dụng trong hoàn cảnh ca ngợi những sự tích anh hùng, hoặc tỏ lòng ái mộ thương tiếc những con người đã hy sinh cho đất nước Việt Nam anh hùng. Nội dung bài hát có đoạn: Đâu có sinh cùng tháng năm... Xót thương tiểu đội giỗ chung một ngày... Thịt xương vùi lấp khắp đồi/ Nỗi đau mất bạn cuộc đời khôn nguôi/ Về thăm bạn dưới chân đồi/ Nén hương tôi thắp giữa trời hôm nay...

Viết xong bài hát chèo “Giỗ đồng đội”, tôi mang lên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửicho anh Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân ca trong Ban Biên tập của đài. Nhận được bài hát chèo “Giỗ đồng đội” của tôi, anh Mai Văn Lạng đọc rất kỹ rồi khen hay và sau đó anh gửi cho Đài truyền hình Việt Nam, đài liền mời Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Linh - Nhà hát chèo Quân đội trình bày và được ghi hình trong một Nghĩa trang liệt sĩ rộng lớn. Sau nữa, anh Mai Văn Lạng lại gửi bài “Giỗ đồng đội” cho nghệ sĩ Quốc phòng, Nhà hát chèo Hà Nội trình bày và được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và trên kênh Youtube. Tiếp sau đó, nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên ở các nơi cùng hát bài “Giỗ đồng đội”. Nhiều người nghe và xem hát bài này, đều có chung một bình luận, cảm tưởng rất xúc động, thương tiếc và khâm phục sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Trinh sát trong QĐND Việt Nam anh hùng.

Ngày 27-10-2012, trong buổi tổng kết cuộc vận động viết lời mới cho các làn điệu dân ca, nhạc sĩ Phan Tuyết Minh - Giám đốc Hệ thống Thông tin Giải trí Đài tiếng nói Việt Nam đã trao Giấy khen cho tôi và nói: “Đồng chí CCB Quốc Anh đã góp một nốt nhạc trong bản anh hùng ca, ca ngợi bộ đội ta, như lời Bác Hồ đã nói: “Quân đội ta, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nhận tấm Giấy khen của Đài tiếng nói Việt Nam, tôi vô cùng xúcđộng xen lẫn một chút tự hào.

Tuy giờ đây đã là CCB, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn cứ nặng lòngnhớ về các đồng đội cũ - nhất là nhớ những chiến sĩ hy sinh trên đồi 74.

Quốc Anh