Nhờ nỗ lực triển khai các giải pháp hạn chế tranh chấp lao động, trong năm 2009, cả nước chỉ xảy ra 216 vụ đình công, giảm 70% so với năm ngoái. Các cuộc đình công cũng diễn biến ôn hòa trong thời gian ngắn, không xảy ra hiện tượng đập phá, quá khích. Theo Ủy ban quan hệ lao động - cơ quan tư vấn cho Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động lành mạnh - các cuộc đình công trên đều không hợp pháp do tiến hành không đúng theo trình tự pháp luật quy định và không do tổ chức công đoàn cơ sở lãnh đạo; xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng theo cơ quan này, nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động và đình công là do các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng và nghiêm túc các thỏa thuận với người lao động như nợ lương, chậm lương, tăng ca, tăng giờ lao động vượt quá quy định.
Cùng với việc tham gia triển khai Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp hạn chế tranh chấp lao động, trong năm qua, Ủy ban Quan hệ lao động cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Bắc, Hongkong nhằm cung cấp thông tin và giải quyết kịp thời những kiến nghị của các doanh nghiệ trong quá trình thực hiện pháp luật lao động đặt ra. Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ủy ban quan hệ lao động tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, cùng với việc duy trì thường xuyên cơ chế tham vấn, đối thoại giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể, Ủy ban Quan hệ Lao động sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nhà ở và phát triển các công trình văn hóa công cộng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân. Ủy ban cũng sớm hoàn thiện Chương trình quốc gia về xúc tiến quan hệ lao động để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
*Theo TTXVN
*
A.Hoàng