Để gặt hái được thành công trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, chúng ta cũng nhất thiết phải kiên trì tiến hành một cách đầy đủ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi và lộ trình nhất quán các nhóm giải pháp đã định. Bài học quý rút ra qua nhiều cuộc vận động chính trị khác nhau là: Nói đi đôi với làm. Đã nói là làm và làm nhiều, làm tốt hơn nói. Trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, điều quan trọng nhất, kiểm điểm phải đi đôi với khắc phục, sửa chữa, chứ nếu sau kiểm điểm chỉ nói “thấm lắm”, hoặc có nhận thiếu sót, khuyết điểm nhưng vẫn không sửa, không khắc phục thì không đạt hiệu quả. Hơn nữa phải tạo được sự thống nhất với nhau về những vấn đề mấu chốt và các biện pháp để kịp thời sửa chữa. Đồng thời, cần phải kiểm tra và đánh giá việc kiểm điểm đó, chỉ ra những vấn đề bức xúc nhất mà dư luận và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Ví như những sai phạm ở một số tập đoàn kinh tế nhà nước, vấn đề đầu cơ tài chính trong giới ngân hàng... là những vấn đề nổi cộm hiện nay, liên quan đến tệ tham nhũng, là một quốc nạn của nước ta. Cần phải rõ, minh bạch hóa vấn đề quản lý tài chính, quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Làm rõ không phải chủ yếu để xử lý bằng kỷ luật, pháp luật, mà quan trọng hơn là tìm được biện pháp sửa chữa và cùng nhau quyết tâm sửa chữa. Thực hiện điều này một cách nghiêm túc sẽ thực sự tạo được chuyển biến trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân.

Với tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 và nghiêm túc thực hiện lời Bác Hồ dạy, từng tập thể cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên phải tự giác khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Cấp trên làm trước, gương mẫu tự phê bình và phê bình để cấp dưới noi theo là cơ hội để mỗi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên nhìn lại mình. Thực tiễn qua các đợt chỉnh huấn, chỉnh đốn Đảng những năm qua cũng chứng minh rằng, khi cán bộ lãnh đạo cấp trên và người đứng đầu gương mẫu, thực sự tự giác và kiểm điểm nghiêm túc, thì cán bộ cấp dưới cũng thực hiện nghiêm túc. Nếu cán bộ lãnh đạo cấp trên không gương mẫu, không tự giác chỉ ra những khuyết điểm của mình và còn nể nang, dễ dãi khi phê bình người khác thì cán bộ cấp dưới cũng sẽ tự phê bình một cách qua loa, hình thức, làm lướt cho xong và báo cáo sai sự thật với cấp trên. Không ai có thể khẳng định việc sửa chữa khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của cá nhân hay tập thể chỉ ngày một ngày hai có thể làm xong, nhưng dù khó khăn đến đâu cũng phải xác định quyết tâm cao độ thực hiện cho được, để cuộc sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng lần này đạt được kết quả tốt nhất.

***Minh Phương ***