Ngày 14-10, 20 cán bộ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn huấn luyện cơ động cùng 40 y, bác sĩ của hai Trường đại học Y, đại học Dược Hà Nội hành quân về các xã Quảng Phương, Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Tiên huyện Quảng Trạch rồi thức trắng đêm đóng gói một nghìn suất quà (mỗi suất gồm 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, 1 thùng nước, sách bút và 1 túi thuốc cấp cứu) để kịp thời cấp phát cho nhân dân. Đáng chú ý là xã Quảng Tiên, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, có tới trên 40% số hộ nghèo và cận nghèo. Năm nào cũng vậy, mưa lũ về lại cướp đi tất cả những gì người dân dành dụm, tích cóp được sau một năm làm lụng vất vả. Đã từ rất lâu, Quảng Tiên mang tên là “rốn lũ”. Lần này, suốt 1 tuần (từ 30-9 đến ngày 5-10), một lượng mưa lớn ào ào đổ xuống, liên tục cả ngày lẫn đêm. Mưa to đã làm lũ lên nhanh, chảy xiết, gây ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều vùng khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều người thấy nước lên nhanh, chảy xiết quá, không kịp chạy. Chỉ leo lên mái nhà để thoát thân. Huyện Quảng Trạch có 14 người chết, 10 người mất tích, 37 người bị thương, 34/34 xã, thị trấn đều bị ngập lụt, với tổng số nhà ngập lụt lên đến 32.000 nhà. Các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học... đều bị hư hỏng nặng, hoa màu, giống lúa, gia súc, gia cầm đều bị cuốn trôi, ước tính thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Giờ đây, người dân đang sống nhờ những thùng hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức tình nguyện, nhưng về lâu dài, cuộc sống của người dân sẽ vô cùng khốn khó, chưa kể tình trạng dịch bệnh bắt đầu bùng phát như đau mắt, tiêu chảy, lở loét chân vì ngâm nước quá lâu. Ngoài ra, những người già thị bị khớp và nhiều người có dấu hiệu phù thũng vì nhiều ngày không được ăn chất tinh bột mà chỉ biết ăn thịt trâu bò chết cầm hơi...

Đối với các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình cũng như 20 chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, trong suốt những ngày qua đều làm việc thường xuyên, liên tục, và gần như đêm nào cũng thức trắng để hoàn thành nhiệm vụ. Trong cơn lũ, họ cấp tốc lên đường cứu dân vượt qua những giờ phút hiểm nghèo. Khi cơn lũ đi qua, họ lại chung vai, sát cánh cùng nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, xây dựng cuộc sống mới. Bất cứ nơi đâu cần, họ sẵn sàng đi ngay không một phút ngơi nghỉ, vì họ biết, ở những noi xa xôi, bà con đang cần họ biết bao. Sau 10 ngày “chiến đấu” với lũ để cứu dân, ai cũng thấm mệt, có người ốm, sốt vì dầm mưa và thức đêm lâu ngày. Nhưng người dân vẫn còn đói khổ thì bộ đội vẫn phải đem tất cả sức mình để giúp người dân vượt qua cơn hoạn nạn. Đó là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim.

Thi Anh