*Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về ccahs cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng (8-1-1959).
*
Năm 1964, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội, ta mời đoàn đại biểu QĐND Triều Tiên tham dự. Hôm đó Bác chiêu đãi Đoàn; tôi có nhiệm vụ phiên dịch cho Bác. Để dịch cho chu đáo chuẩn xác, tôi đề nghị Văn phòng Chủ tịch (nay là Văn phòng Chủ tịch nước) cung cấp trước bài diễn từ của Bác. Đồng chí Chánh Văn phòng trả lời sẽ gửi sau.

Cho đến phút chót, tôi vẫn chưa nhận được bài của Bác. Trong khi Đoàn của bạn đã chuẩn bị bài diễn văn dài 8 trang. Tôi băn khoăn, thậm chí bối rối, nhưng ngại không dám hỏi thêm. Mà tôi thấy đồng chí Chánh Văn phòng cũng giống tâm trạng của tôi, có phần lo lắng. Thì ra, hôm ấy, Bác không đọc diễn từ mà chỉ hài hước hỏi gọn một câu: “Hôm nay tất cả là lính chứ?”.

Mọi người đồng thanh hô: “Dạ phải”.

Đoạn Bác giơ cao đôi đũa, nói vui: “Vậy thì hãy cầm vũ khí xung phong!”.

Bác gắp thức ăn trước, mọi người làm theo. Bác là vậy, hầu hết trong các bữa ăn Bác đều nói rất tự nhiên, mặc dù Văn phòng bao giờ cũng chuẩn bị sẵn bài Diễn văn đã được Bác gợi ý viết và Bác trực tiếp duyệt nội dung.

Năm 1955, trong bữa đại tiệc mừng Bác về Thủ đô; hôm ấy thành phần là Trung ương Đảng, Chính phủ và Ngoại giao đoàn. Tất cả cũng hồi hộp đợi chờ bài diễn văn của Bác, nghĩ chắc là Bác sẽ nhắc tới “Chín năm kháng chiến” gian khổ và chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng không... Người bước ra, tay nâng cốc rượu và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Hôm nay Bác chiêu đãi cá thật”.

Tất cả cười ra nước mắt. Các đại biểu ngoại giao ngơ ngác không hiểu chuyện gì khiến mọi người vui đến thế?. Hiểu ý, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tố Hữu, giải thích cho các bạn bằng tiếng Pháp về sự tích “Ông thầy đồ xứ Nghệ và con cá gỗ”. Khách nước ngoài vỡ lẽ, mới thấy Bác hóm hỉnh và vô cùng thâm thúy...

Ngẫm nghĩ kỹ mới thấy cả hai lần Bác nói tưởng như chuyện vui, nhưng nội dung thật sâu sắc và phù hợp.

Một kỷ niệm nữa, là ngày 2-9-1969, từ Mai Dịch - nơi đóng quân của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, tôi phóng xe đạp về thăm nhà. Giữa đường, một chiếc xe Com-măng-ca ra hiệu chặn đầu xe tôi lại. Đồng chí Hồng Cư - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, ra lệnh cho tôi quay lại Đoàn, lấy đồ nghề hóa trang đi theo đồng chí có việc gấp.

Tôi ngơ ngác không hiểu gì? Đắn đo một lát, cuối cùng đồng chí rung môi, chớp mắt báo cho tôi biết: “Bác mất rồi! Cậu quay về mang đồ hóa trang đi theo tôi để hóa trang cho Bác”.

Được tin, tôi ù tai, choáng váng. Tôi nghĩ việc này một mình tôi không thể làm nổi, nên điều thêm đồng chí Huy Chính, họa sĩ đi cùng. Đến nơi, thấy các đồng chí trong Bộ Chính trị: Phạm Văn Đồng; Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh... đã tề tựu quanh thi hài Bác, khóc sướt mướt. Đồng chí Trần Quốc Hoàn nhắc chúng tôi phải hết sức bình tĩnh! Chúng tôi quá xúc động không làm gì nổi, chỉ biết khóc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng động viên chúng tôi: “Các con ơi! Nén chịu mà làm. Đừng khóc nữa...”.

Với tôi, việc hóa trang cho Bác là cả một vinh dự, đồng thời là một ấn tượng sâu sắc nhất và cũng là kỷ niệm cuối cùng được phục vụ Bác.

Khắc Tuế