**

**Tại Hà Nội, nơi dịch bệnh luôn có diễn biến phức tạp hơn các địa phương khác, nhưng công tác dự phòng được đánh giá là mảng hoạt động hiệu quả nhất của ngành y tế Thủ đô năm 2012. Ghi nhận này là sự động viên lớn đối với những thầy thuốc làm công việc thầm lặng: phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động tích cực, giám sát chặt chẽ**
**
Trong năm 2012, tuy không có các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A H5N1 ở người, tả, bại liệt, dại lên cơn... nhưng trên địa bàn thành phố, số người mắc tay chân miệng (TCM), liên cầu lợn, viêm màng não do não mô cầu lại tăng. Điển hình là bệnh TCM tăng gấp 3 lần với 4.455 ca mắc, phân bố rộng cả 29 quận, huyện, thị xã và 89% số xã, phường, thị trấn. Mặc dù số ca mắc tăng, 95% là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng bệnh TCM năm qua không còn là nỗi ám ảnh đối với xã hội bởi công tác tuyên truyền được làm tốt, giúp người dân hiểu đúng để không chủ quan nhưng cũng không hoang mang; công tác giám sát và xử lý dịch cũng như vệ sinh môi trường, phòng bệnh hiệu quả. Ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Ngành đã tổ chức trên 4.000 lượt giám sát ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp với các trường học giám sát chặt chẽ tình hình học sinh nghỉ ốm có dấu hiệu nghi mắc bệnh. Hướng dẫn các nhà trường xử lý môi trường ổ dịch, cách vệ sinh phòng bệnh.

Giám sát, xử lý dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD) để giảm 72% số ca mắc so với năm 2011, không có ca nào tử vong dù bệnh xuất hiện ở 28 quận, huyện, 234 xã, phường, thị trấn, là kết quả đáng ghi nhận của công tác y tế dự phòng Hà Nội. Hơn 5 nghìn lượt giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân nghi SXHD ở các bệnh viện đã được thực hiện, phát hiện 213 ổ dịch. Để chủ động triển khai phòng chống dịch, ngành đã phát động 2 đợt vệ sinh môi trường với 209 chiến dịch diệt bọ gậy ở 60 xã, phường trọng điểm và nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch; 106 chiến dịch phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường trọng điểm với 214.162 hộ gia đình được phun hóa chất diệt muỗi...

Chủ động để phòng, chống dịch được thể hiện rất rõ ở cách chỉ đạo, điều hành của ngành đã đem đến cho người dân Hà Nội một năm không có dịch lớn xảy ra. Theo đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn cũng như tính chất dịch bệnh theo mùa, Sở Y tế đã tham mưu với thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch như: Tháng 2 triển khai các biện pháp phòng chống dịch mùa thu - đông, tháng 4 triển khai phòng chống dịch mùa hè và các công văn chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh cụ thể.

Cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh**
**
Hai năm gần đây, trên thế giới ghi nhận nhiều bệnh mới có nguyên nhân do vi rút, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu và liên quan chặt chẽ với điều kiện kinh tế xã hội như kinh tế khó khăn, vệ sinh cá nhân, môi trường thấp kém. Các bệnh truyền nhiễm ít được quan tâm, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2011 là 17 bệnh, ảnh hưởng đến ít nhất 1 tỷ người. Các bệnh này đã xâm nhập và lây lan tại các địa phương của nước ta, một số bệnh có xu hướng gia tăng về số người mắc và phạm vi.

Trong bối cảnh chung đó, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa Hà Nội đã trở thành địa phương chịu tác động lớn và tình hình dịch bệnh vì thế có những diễn biến phức tạp. Làm thế nào để phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả là câu hỏi mà ngành y tế Hà Nội đã trả lời bằng đề án "Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020". Đề án đã được Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thường trực UBND thành phố thông qua trong năm 2012.

Theo đánh giá của WHO, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh là một công cụ có hiệu quả cao và khuyến khích các quốc gia thành viên ứng dụng. Mô hình này cũng đã được Bộ Y tế đề xuất từ năm 2007. Hà Nội là nơi đặc biệt nhạy cảm với tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam nên việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh nhằm giảm đến mức thấp nhất hậu quả mà dịch bệnh gây ra là cách phòng bệnh dịch chủ động và tích cực. Với những mục tiêu như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát; xây dựng phòng thí nghiệm đủ khả năng chẩn đoán xác định các tác nhân gây bệnh nguy hiểm và mới xuất hiện ở Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, xét nghiệm các bệnh dịch thông thường ở cấp quận, huyện; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh cũng như hệ thống điện tử báo cáo bệnh truyền nhiễm chính xác, đầy đủ và kịp thời; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong công tác phòng chống dịch... đề án này sẽ giải quyết một cách cơ bản những khó khăn hiện nay của công tác y tế dự phòng. 285 tỷ đồng được ngân sách thành phố dành cho dự án quan trọng sẽ bắt đầu được triển khai từ năm 2013, đặc biệt là tỷ trọng đầu tư cho y tế dự phòng tăng, với kinh phí cho công tác phòng bệnh tăng từ 14.000 đồng/người dân hiện nay lên 20.000 đồng vào năm 2015 và 30.000 đồng vào năm 2020, cùng các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm y tế dự phòng... là sự động viên, khích lệ những người làm phòng chống dịch, đồng thời đem lại cho nhân dân Thủ đô niềm tin về một thành phố an toàn, không dịch bệnh.

Theo Hanoimoi (TH)