9 năm qua, ông Nhật cưu mang 71 đứa trẻ bất hạnh.
Vừa bước vào mái ấm, chúng tôi thấy các em đang xếp hàng chờ ông tắm cho, còn ông thì tất bật gọi lần lượt từng đứa một. Những đứa được ông tắm xong mát mẻ đang vui đùa cùng các anh chị trong nhà. Sau khi tắm cho lũ trẻ xong, ông mới có thời gian dành cho chúng tôi. Ông kể: Một lần, vào đêm dông sấm chớp đì đùng năm 2008, một đứa bé con một phụ nữ Jrai sinh ra đỏ hỏn được 2 ngày thì mẹ mất. Đứa bé ấy không cha, không tên. Buôn làng mời thầy cúng chuẩn bị các thủ tục chôn luôn đứa bé theo mẹ.
“Phải để nó chết theo mẹ” - dân làng hét to khi thấy người đàn ông lạ xin nuôi. Phong tục bao đời của người Jarai là thế, ai dám chống lại “Giàng của người Jrai” - tức là chống trời. Ngôi mộ to cho mẹ, ngôi mộ nhỏ của người con đã đào sẵn. Biết chậm là đứa bé chết, người đàn ông chạy hộc tốc lên UBND xã Ia H’Lốp cầu cứu chính quyền. Đấu tranh mãi, thuyết phục mãi dân làng mới nhượng bộ khi bắt ông phải cúng một con heo to, nhiều vò rượu để tạ lỗi với Giàng và ông đã nhận nuôi đứa trẻ. Đứa trẻ ấy được ông đặt tên là Đinh Hồng Phúc, năm nay đã 11 tuổi, là học sinh lớp 5, Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Phúc nói: Em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe các em trong mái ấm Ia H’Lốp cùng thầy Nhật.

Góc học tập của các cháu ở “cơ ngơi” ông Nhật.

Những năm trước, các cháu được ông nhận về nuôi trong căn nhà cũ dột nát, chật chội. Sau này, số trẻ càng nhiều, ông Nhật quyết định bán hết tài sản cha mẹ ông để lại cùng tiền quyên góp từ một số nhà hảo tâm để xây căn nhà mới giúp các em có điều kiện sống tốt hơn.

Hướng mắt về phía Đinh Thiên Phước, ông Nhật kể: Số phận nó đáng thương lắm. Ông còn nhớ như in lúc đó khoảng 1 giờ, ông nhận được điện thoại của một người lạ báo có một đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài rừng cao su. Tức tốc lên đường, đi chừng 65km, đến địa điểm được báo trước, không nghe tiếng khóc trẻ con, ông lo sợ không biết có phải bị dàn cảnh cướp hay không nhưng nghĩ đến sinh mạng đứa trẻ, ông tiếp tục tìm kiếm. Sau đó, ông thấy một đứa trẻ chừng 7 tháng tuổi được quấn trong lớp chăn mỏng, không động đậy. Lúc đó, ông nghĩ đứa trẻ đã chết nhưng vẫn mang về. Khi về đến nhà, thấy người cháu vẫn còn ấm, nhịp tim đập trở lại, ông vừa cho cháu uống sữa vừa khóc.

Cứ như thế, với trái tim nhân hậu của mình, đến nay, ông Nhật đã mang về nuôi, dạy dỗ gần 100 đứa trẻ đủ các độ tuổi. Của cải cha mẹ để lại, ông Nhật bán dần để lo cho những đứa trẻ. Sau này, khi những đứa lớn biết trông em, ông Nhật mua 600 gốc cà phê và 400 trụ tiêu làm kinh tế nuôi các cháu lâu dài. Trước khi vườn rẫy cho thu hoạch, ông Nhật đi làm thuê kiếm tiền nuôi các em.

Những đứa trẻ trong mái ấm Ia H’Lốp còn được ông Nhật dạy dỗ, cho học hành đến nơi đến chốn. Biết hoàn cảnh các cháu, một số giáo viên ở huyện tự nguyện về mái ấm này dạy phụ đạo cho các em.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, em Kpar H’Sấp - học sinh lớp 9, Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê nói: “Học xong em muốn ở lại mái ấm Ia Lốp cùng cha Nhật chăm sóc các em. Vì không ở đâu chúng em có cảm giác được che chở, ấm cúng như ở đây”.

Ông Lê Sỹ Quý - Chủ tịch UBND xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê cho biết: Chính quyền cũng đã tường tỏ về mái ấm Ia H’Lốp của ông Nhật. Địa phương cũng tạo điều kiện, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu vì một mình ông Nhật rất vất vả để có thể lo cho các em đầy đủ. Trái tim nhân hậu của ông Nhật khó ai sánh bằng...

Hồng Điệp