**TRẦN ĐĂNG KHOA:
**
Tôi nghĩ rằng người dân rất vui vì quy định này. Đây là thiện ý rất rất tốt đẹp và rất hợp lòng dân của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cần thực chất chứ không phải hình thức.

Nếu chỉ là hình thức thì người ta sẽ giả vờ thực hiện rất nghiêm minh, không biếu quà ngày Tết, nhưng lại biếu quà vào những ngày dưng. Nghĩa là đút lót trước hoặc sau Tết. Mỹ tục gì ở Việt Nam cũng có thể bị biến thái rồi dần dần biến chất, nếu chúng ta không thực hiện và giám sát nghiêm chỉnh.

Nhiều người lợi dụng ngay cả việc biếu quà Tết để đục khoét của dân. Các cụ bảo: “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” là vì thế. Mà dân biết hết đấy. Ai thế nào, dân biết cả, chỉ có cán bộ không biết nên mới làm liều hoặc nông nổi dại dột vì lợi ích cỏn con trước mắt.

Tôi nói cán bộ "dại dột vì lợi ích cỏn con trước mắt" là khi anh nhận quà, họ sẽ lạm dụng việc nhận quà của anh mà đục khoét tiền dân đút túi riêng, rồi số tiền "đút túi" riêng ấy, họ dồn đổ hết lên đầu anh, khi "quyết toán nội bộ". Thế có phải là anh dại dột không?

Tôi thiết tha đề nghị nhân đây, các nhà lãnh đạo, quản lý có biện pháp cứng rắn để chấm dứt vĩnh viễn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án và "các trò phết phẩy" trong việc ký duyệt các dự án. Đây cũng là nguyện vọng của dân.

Trong “phết phẩy” là quy định bất thành văn nhưng lại có sức tàn phá đất nước tàn khốc nhất, hiệu quả nhất. Nhiều doanh nghiệp góp tiền để chạy quyền chạy chức cho một cá nhân nào đó. Và khi kẻ chạy chức chạy quyền có được chức quyền, thì việc đầu tiên của họ khi có quyền lực trong tay là thu hồi lại vốn đã mất, rồi lại phải có tiền lãi để túi riêng. Còn đâu tâm lực dành cho dân cho nước. Họ ở vị trí lãnh đạo nhưng đã mất ngay vai trò lãnh đạo rồi. Họ chỉ là con rối tuân theo sự giật dây của những kẻ có tiền. Thực chất đó là lợi ích nhóm.

Nỗi khổ muôn dân cũng từ đó mà ra. Đất nước nghèo đi cũng bắt đầu từ đó. Việc "phết phẩy" cũng vậy. Anh cứ ký duyệt một dự án nào đó, anh lại được bao nhiêu phần trăm của tổng số tiền chi cho dự án đó. Dự án càng lớn thì số tiền của anh lại càng nhiều. Thế thì ai chẳng muốn có vị trí để đươc quyền ký các quyết định. Thế thì làm sao mà tránh được những tệ nạn rút ruột công trình và miên man những chuyện tiêu cực khác?

Con hổ tha được con lợn, thì con chó con mèo cũng phải có miếng thịt hay khúc xương chứ. Đất nước nghèo đi từ đấy mà ra. Nợ nần chồng chất đổ xuống đầu dân cũng xuất phát từ đấy. Chỉ có chấm dứt được vấn nạn đó thì lòng dân mới yên và đất nước mới có kỳ vọng ổn định để phát triển...

TĐK