Cửa khẩu Attari-Wagah trên biên giới Ấn Độ - Pakistan đã bị đóng.

Những cuộc tấn công trả đũa nhau giữa Ấn Độ và Pakistan xuất phát từ “điểm nóng” Kashir đang có nguy cơ đẩy hai quốc gia Nam Á có vũ khí hạt nhân này vào cuộc chiến tranh tổng lực.

Xung đột giữa New Delhi và Islamabad bùng phát vào sáng 7-5, sau khi Ấn Độ phát động Chiến dịch Sindoor, nhắm vào 9 mục tiêu mà nước này gọi là “hạ tầng khủng bố” trên lãnh thổ Pakistan và khu vực do Islamabad kiểm soát tại vùng tranh chấp Kashmir. Đây là động thái đáp trả vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng gần thị trấn Pahalgam ngày 22-4 mà Ấn Độ cáo buộc do một nhóm vũ trang được Pakistan hậu thuẫn.

Pakistan cũng ngay lập tức phát động Chiến dịch Bunyanun Marsoos, nhằm trả đũa các cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ nước này. Bộ Quốc phòng Pakistan cho biết: Một kho dự trữ tên lửa BrahMos ở TP. Beas thuộc bang Punjab của Ấn Độ đã bị phá hủy sau đòn đánh. Một loạt các mục tiêu như sân bay quân sự, căn cứ quân sự của Ấn Độ cũng đã bị không quân Pakistan tập kích.

Đây không phải là lần đầu tiên, Ấn Độ và Pakistan đứng bên bờ vực chiến tranh mà nguồn gốc là tranh cãi chủ quyền với vùng Kashir. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tháng 8-1947, Anh trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ và thành lập trên vùng đất này hai nhà nước: Ấn Độ với đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi. Khu vực Kashmir với đa số người Hồi giáo tưởng rằng sẽ gia nhập Pakistan nhưng lại quyết định gắn với Ấn Độ khiến Islamabad tức giận.

Mâu thuẫn tích tụ đã làm bùng phát cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan vào năm 1947. Với sự trung gian hòa giải của Liên Hợp quốc (LHQ), năm 1949, cuộc chiến tranh đầu tiên giành quyền kiểm soát Kashmir kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chia 2/3 vùng Kashmir cho Ấn Độ kiểm soát và phần còn lại do Pakistan nắm giữ. Đường Kiểm soát (LOC) đóng vai trò như một đường biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan ở khu vực Kashmir được thiết lập.Tuy nhiên, tranh chấp vẫn chưa dừng lại và trong những thập niên tiếp theo, ít nhất 3 cuộc chiến và nhiều vụ đụng độ vũ trang đã xảy ra giữa hai nước.

Vấn đề là bởi dù quản lý một phần Kashmir nhưng cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Ấn Độ thường xuyên cáo buộc Pakistan kích động và hỗ trợ bạo lực ở Kashmir, hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang tiến hành các vụ tấn công vào các nhân viên an ninh Ấn Độ. Trong vụ xả súng hôm 22-4 tại thị trấn Pahalgam khiến 26 người thiệt mạng, Ấn Độ cho rằng có bàn tay của Mặt trận kháng chiến (TRF), một tổ chức bình phong của nhóm vũ trang Lashkar-e-Taibacó trụ sở tại Pakistan.

Căng thẳng xung quanh Kashmir càng phức tạp hơn khi nó thường bị gắn vào các vấn đệ nội bộ của Ấn Độ và Pakistan. Lâu nay, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi luôn gắn chặt hình ảnh chính trị của mình với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, đề cao niềm tự hào Ấn Độ giáo và chủ quyền quốc gia cứng rắn. Bởi vậy, vụ tấn công khủng bố tại Kashmir không chỉ là một sự kiện an ninh, mà là một thách thức trực tiếp đối với vai trò lãnh đạo và tư tưởng của Thủ tướng Modi. Vì thế, Ấn Độ đã phản ứng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Trong khi đó, Pakistan cũng đang cần một lý do để chuyển hướng dư luận khỏi tình trạng hỗn loạn trong nước bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn, với sự bất mãn gia tăng từ tầng lớp trung lưu và thanh niên. Một cuộc khủng hoảng đối ngoại,  đặc biệt là với đối thủ lâu đời là Ấn Độ, là công cụ hữu hiệu để tạo ra hiệu ứng “đoàn kết dân tộc”, giúp chính quyền hiện tại củng cố quyền kiểm soát. Bài học của lịch sử Pakistan cho thấy không có chất kết dính nào hiệu quả hơn trong chính trị nội bộ Pakistan bằng “sự đối đầu với Ấn Độ”.

Hiện tại, sau vài ngày giao tranh, Ấn Độ và Pakistan đã đạt thỏa thuận ngừng bắn “toàn diện và ngay lập tức” dưới sự trung gian của Mỹ. Tiếng súng đã tạm ngừng nhưng quan hệ New Dehli - Islamabad vẫn căng thẳng. Ấn Độ đã thực hiện hàng loạt biện pháp đáp trả cứng rắn trên các mặt trận hành chính, chính trị và ngoại giao, như triệu hồi các đại diện ngoại giao tại Pakistan, đình chỉ việc cấp thị thực cho công dân Pakistan, đóng cửa các cửa khẩu biên giới, đồng thời tạm ngừng toàn bộ hoạt động giao thông hàng không giữa hai nước. Pakistan cũng có các hành động trả đũa tương ứng.

         Tranh chấp chủ quyền với Kashmir vẫn chưa có giải pháp cuối cùng. Nó chẳng khác nào như ngòi nổ bên thùng thuốc súng lúc nào cũng như sắp phát nổ là quan hệ Ấn Độ - Pakistan.

Tiến Thành