Giám đốc Đoàn Ngọc Chung thăm, kiểm tra, động viên bà con vay vốn ưu đãi ở huyện Hòa Vang.
LTS: Ngày 15-8-2023, Ngân hàng CSXH T.P Đà Nẵng (NHCSXH) tổ chức Hội nghị vinh danh Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (viết tắt là Tổ) lần thứ II giai đoạn 2018-2023. Tại Hội nghị, có 97,1% Tổ Tiết kiệm và vay vốn của CCB được xếp loại tốt. Đây là sự ghi nhận đáng trân trọng về những nỗ lực lớn của các cấp Hội CCB trong công tác tín dụng chính sách 5 năm qua. Nhân dịp này, PV Báo CCBViệt Nam có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Ngọc Chung - Giám đốc NHCSXH T.P Đà Nẵng về bước phát triển của công tác tín dụng chính sách và những đóng góp hiệu quả của các cấp Hội CCB thành phố.
PV: 5 năm qua (2018-2023), trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố vẫn có bước tăng trưởng, việc sử dụng đồng vốn ưu đãi ngày càng hiệu quả. Đồng chí có thể khái quát những thành tích đáng trân trọng đó như thế nào?
Đồng chí Đoàn Ngọc Chung: Tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, có tính nhân văn sâu sắc, là giải pháp sáng tạo nhằm giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, các ngành, đoàn thể và sự nỗ lực rất lớn của NHCSXH thành phố, đồng vốn tín dụng chính sách chuyển dịch nhanh, kịp thời đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những đồng vốn nhân văn này được sử dụng hiệu quả, không chỉ đem đến cho bà con điều kiện để chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con em họ.
Đến ngày 31-7-2023, tổng dư nợ cho vay thông qua 1.880 Tổ, với 83.082 khách hàng đạt 4363 tỷ đồng, tăng 2.725 tỷ đồng so với năm 2018. Bình quân mỗi đơn vị cấp xã có 33 tổ, mỗi tổ bình quân có 44 thành viên; quản lý mức dư nợ bình quân 1 tổ/2,321 tỷ đồng, tăng 1,409 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Đây là con số khá ấn tượng sau những năm chịu ảnh hưởng nặng nề về dịch bệnh.
Bên cạnh 13 chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn của T.Ư và 9 chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn địa phương, trong giai đoạn 2018-2023, NHCSXH đã triển khai một số chương trình tín dụng mới, như cho vay nhà ở xã hội, cho các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư vay trả nợ đúng hạn hoặc thuộc diện giải tỏa, di dời nhà được vay để xây nhà ở, cho người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay trang trải trong cuộc sống, đây là những chủ trương kịp thời của thành phố nhằm hỗ trợ cho người dân lúc khó khăn, đươc nhân dân đồng tình và đánh giá cao.
5 năm qua, tín dụng CSXH thông qua tổ tiết kiệm đã giúp trên 8.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo tiếp cận vốn vay để sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững; ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho gần 110.000 lao động, gần 4.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để có chi phí cho học tập, cho vay xây dựng 12.000 công trình nước sạch, trên 12.000 công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang, trên 1.000 khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội...Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng “4 an” (an ninh, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội); trong xây dựng Nông thôn mới, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của thành phố.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của tín dụng chính sách thành phố chính các tổ chức như: Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; trong đó, các Tổ tiết kiệm do CCB làm tổ trưởng là những điển hình đáng trân trọng và biểu dương về tinh thần trách nhiệm và gương mẫu.
PV:Trên đây là những kết quả đáng mừng, đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng hoat động ủy thác và hoạt đông của Tổ Tiết kiệm do Hội CCB quản lý?
Đồng chí Đoàn Ngọc Chung: Như tôi đã trao đổi, Hội CCB các cấp và các Tổ tiết kiệm do CCB làm tổ trưởng đã có nỗ lực rất lớn và đầy trách nhiệm trong công tác tín dụng chính sách. Nhiều tổ do Hội CCB quản lý và CCB làm tổ trưởng trên 20 năm, chứng tỏ tinh thần nhiệt tình, tâm huyết và uy tín của họ đối với bà con. Đến nay, dư nợ ủy thác qua Hội CCB đạt 988 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% tổng dư nợ ủy thác, là đơn vị quản lý dư nợ ủy thác lớn thứ hai sau Hội Phụ nữ, với 416 tổ, quản lý 20.295 khách hàng vay vốn. 100% tổ tham gia gửi tiết kiệm với số dư đạt 54 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động ủy thác và hoạt động của tổ do Hội CCB quản lý ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả rất cao. Đến cuối tháng 7, nợ quá hạn khoảng trên 200 triệu đồng (chiếm 0,02%). Hội CCB quản lý 416 tổ, trong đó có 404 tổ xếp loại tốt (đạt 97,1%), 12 tổ xếp loại khá, không có tổ trung bình hoặc yếu. Trong số 185 tổ trưởng Tổ TKVV được vinh danh lần thứ II (giai đoạn 2018-2023) tổ chức ngày 15-8-2023, có 45 CCB là tổ trưởng được vinh danh danh. Đây là sự đánh giá và vinh danh đúng với những nỗ lực của các CCB làm công tác tín dụng chính sách.
Có được kết quả đó là nhờ các cấp Hội CCB phối hợp NHCSXH, chính quyền địa phương tích cực và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội CCB luôn tham gia đầy đủ các cuộc họp của ban đại diện các cấp, kịp thời nắm bắt các chủ trương, hướng dẫn mới, những diễn biến vốn vay và nợ quá hạn, kiến nghị những vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho công tác tín dụng chính sách có kết quả.
Hằng năm, các cấp Hội CCB đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những tồn tại cần chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc. Riêng khâu này, tôi cho rằng Hội CCB làm rất nghiêm túc, thường xuyên và có hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Hội CCB chủ động phối hợp với NHCSXH tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn, nhất là quy trình giải ngân, các biện pháp quản lý nguồn vốn, hướng dẫn các thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác... cho cán bộ Hội và Tổ tiết kiệm. Chính từ những kiến thức tập huấn, đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã chủ động đổi mới, sáng tạo phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng thôn, tổ dân phố, từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của người vay đối với quá trình sử dụng vốn cũng như việc trả lãi và vốn theo quy định.
Định kỳ, Hội CCB tổ chức tổng kết, đánh giá, khen thưởng kịp thời, động viên các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện công tác ủy thác, ký kết và phát động thi đua, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội cũng như các Tổ trưởng tổ tiết kiệm. Ngoài ra, NHCSXH và Hội CCB còn gắn kết qua nhiều hoạt động, như: Tọa đàm nghiệp vụ, văn hóa, văn nghệ, hội thi nghiệp vụ, thể thao. Riêng NHCSXHthành phố hỗ trợ sinh kế cho 1 hội viên nghèo trị giá 15 triệu đồng.
Tôi có thể nói khái quát về Hội CCB và 416 tổ trưởng Tổ tiết kiệm cũng như hội viên trực tiếp vay vốn của NHCSXHthành phố: Các cô, chú, các bác là những người mẫu mực, đầy tinh thần trách nhiệm, đúng là những con người “Thời chiến xông pha, thời bình mẫu mực”. Trong mọi công việc, cán bộ, hội viên CCB đều tâm huyết, thận trọng, trung thực, chu đáo, góp phần quan trọng vào truyền thống chung của NHCSXH là “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Nguyễn Phát (thực hiện)