
Mỹ di tản khỏi Sài Gòn bằng máy bay trực thăng. Ảnh TL
Ngày 6-1-1975, Quân giải phóng làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Phước Long, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Thắng lợi của chiến dịch ngoài việc giải phóng hơn 50.000 dân; tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, còn là phép thử về phản ứng khả năng can thiệp của Mỹ khi ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn.
Phước Long thất thủ, chính quyền Sài Gòn không có một kế hoạch hay hành động nào đáp trả, ngoài việc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu trấn an binh lính rằng “Việc Việt cộng lấn chiếm Phước Long phải được xem là một việc nhất thời”; còn Thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm với công điện thừa nhận thất thủ Phước Long, đã lên tiếng “kêu gọi các quốc gia tự do, nhất là đồng minh Hoa Kỳ tích cực trợ giúp nhân dân và Chính phủ VNCH...”.
Cùng với đưa tin về sự kiện Phước Long, báo giới phương Tây thời điểm đó bày tỏ ngạc nhiên bởi sự “buông xuôi”, “im hơi lặng tiếng” của Nhà trắng và lý giải thái độ đó xuất phát từ sự bất lực của người thua trận.
Việc trở lại can thiệp trực tiếp của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam, lúc này được xem là không thể, nhưng trên thực tế tập đoàn cầm đầu Nhà trắng chưa “buông” chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Mặc dù, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật không cho Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam nữa, nhưng đứng trước nguy cơ Sài Gòn thất thủ, Tổng thống G. Ford đã yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận viện trợ thêm cho chính quyền Sài Gòn 300 triệu USD; đồng thời đầu tháng 3-1975, một phái đoàn Quốc hội Mỹ đã sang nắm tình hình thực tế tại miền Nam Việt Nam, làm cơ sở để viện trợ cho Sài Gòn, hy vọng tìm một giải pháp thương lượng.
Trong cuộc chiêu đãi phái đoàn Quốc hội Mỹ, ngày 1-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu gần như cầu xin, khi thốt lên: “...Tất cả các quý vị mà tôi được hân hạnh thù tiếp đêm nay, đều có thể... giúp đỡ để chúng tôi có nguồn tài trợ cần thiết, hầu tự vệ hữu hiệu... Đó là điều mà Chính phủ Hoa Kỳ đã long trọng cam kết...”.
Sau khi phái đoàn Quốc hội trở về từ Sài Gòn, mọi nỗ lực yêu cầu viện trợ của Tổng thống G.Ford cho Sài Gòn gần như tiêu tan. Tất cả các thành viên của phái đoàn đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Chính phủ Mỹ ở Đông Dương, cho rằng mọi viện trợ cho Sài Gòn chẳng khác gì đổ của vào chiếc thùng không đáy.
Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, theo Hiệp định Pari “do Hoa Kỳ thương thuyết mà VNCH miễn cưỡng chấp nhận, thì chính quyền Sài Gòn được quyền thay thế trang bị và đạn dược trên nguyên tắc một đổi một. Nhưng thực tế VNCH chưa nhận được viện trợ để thực hiện thay thế theo nguyên tắc đó. Năm 1974, VNCH tiếp nhận 1,4 tỷ USD viện trợ quân sự, thì năm 1975 con số này bị Quốc hội Mỹ cắt xuống còn 700 triệu USD”. Vì vậy, Thiệu đã lớn tiếng đổ lỗi sự thất thủ triền miên vừa qua là do Mỹ không chịu viện trợ, chứ không phải sự yếu kém của quân đội Sài Gòn. Thiệu không ngần ngại nói rằng: “Phân nửa viện trợ thì quân đội VNCH chỉ có thể giữ phân nửa lãnh thổ mà thôi!”.
Từ cuối tháng 3-1975, bàng hoàng trước thất thủ mau chóng trên toàn miền của VNCH, G. Ford đã phái tướng Weyand - Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ sang thị sát chiến trường miền Nam. Cùng lúc, Mỹ tăng cường chi viện cho VNCH bằng đường hàng không, giúp quân đội Sài Gòn thiết lập hệ thống phòng thủ với hy vọng duy trì sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn để tìm giải pháp thương lượng dựa trên ưu thế quân sự.
Báo Độc lập, xuất bản tại Sài Gòn cho biết: “Ngày 2-4-1975 một vận tải cơ quân sự Mỹ cỡ lớn loại C5 đang trên đường qua Nam Việt Nam, với 87 khẩu đại pháo... Đây là chuyến không vận thứ nhì sang cho Nam Việt Nam trong vòng 2 ngày. Vài hôm nữa chiếc C5 thứ ba sẽ sang Nam Việt Nam với thiết vận xa, súng máy và một số trang bị quân sự khác”.
Trước sức tiến công như vũ bão, “một ngày bằng 20 năm” của Quân giải phóng, với hy vọng không trắng tay trước “canh bạc Việt Nam”, để “trên 55.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh ở Việt Nam không trở nên vô nghĩa”, Tổng thống G.Ford, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ngày 10-4-1975 đã kêu gọi Quốc hội “không thể do dự mà cần mau lẹ dành viện trợ kinh tế và quân sự thích nghi cho VNCH”.
Khi các binh đoàn Quân giải phóng áp sát Sài Gòn, ngày 21-4-1975, Mỹ ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhường ghế cho Trần Văn Hương. Việc ép Thiệu từ chức khiến dư luận lầm tưởng về sự “buông xuôi”, từ bỏ can thiệp vào miền Nam Việt Nam trong chính sách của Mỹ. Nhưng trong và sau thời điểm Thiệu từ chức, Tổng thống G.Ford đã tiến hành một loạt hoạt động quân sự có tính chất răn đe, đồng thời tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ chấp thuận viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Điều này cho thấy chính sách của Mỹ vẫn là dùng sức ép quân sự để đạt được lợi thế khi tiến hành thương lượng (nếu được), hòng “níu kéo” một giải pháp chính trị nào đó có lợi cho âm mưu của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 18-4-1975, hai ngày trước khi Thiệu từ chức, Đại sứ quán Mỹ tại Singapo tiết lộ thông tin: Hàng không mẫu hạm Hancok của Hoa Kỳ đêm thứ 6 đã rời khỏi hải phận Singapo để đến một nơi chưa tiết lộ; khiến người ta suy đoán hàng không mẫu hạm này đến hải phận Việt Nam. Tiếp đó, ngày 20-4, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo việc di chuyển không phải 1 mà là 5 hàng không mẫu hạm đã rời Singapo, căn cứ Subic (Philippin)... Đồng thời, báo chí cũng đồng loạt đưa tin chỉ trong 2 tuần, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho chính quyền Sài Gòn hàng trăm tấn vũ khí.
Báo Dân chủ, ngày 22-4-1975 viết: “Tính từ ngày 4-4-1975 đến nay đã có trên 100 phi vụ bằng vận tải cơ khổng lồ của không lực Mỹ chuyển vận tới Nam Việt Nam các quân tiếp liệu chính yếu gồm vũ khí cá nhân, trọng pháo, thiết giáp, vũ khí chống chiến xa và các trang bị khác. Song song với những phi vụ tiếp tế kể trên, còn nhiều chuyến tàu thủy chuyển vận với số lượng đạn dược quan trọng từ Mỹ đến VNCH”.
Thậm chí, mượn chiêu bài di tản, Tổng thống G. Ford yêu cầu và được Quốc hội Mỹ phê chuẩn cho phép đưa quân trở lại miền Nam Việt Nam khi cần thiết.
Ngày 22-4-1975, qua hệ thống thông tin, Tổng thống G.Ford đã không úp mở tuyên bố: “Một lực lượng quân sự có thể đưa trở lại Việt Nam để giúp di tản những người Việt Nam có liên hệ với Mỹ...”; đồng thời xác nhận: “Một số lớn binh sĩ thủy quân lục chiến sẵn sàng tác chiến đã được đưa ra khỏi Ha Oai” (tin viện ấn ngoại quốc ngày 23-1-1975).
Tại Sài Gòn, cũng ngày 21-4, Sở Thông tin Hoa Kỳ cho phát nguyên văn yêu cầu viện trợ quân sự cho Sài Gòn của Tổng thống G.Ford: “Ngân khoản 722 triệu Mỹ kim về viện trợ quân sự bổ túc cho VNCH mà Tổng thống Ford vừa yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn chi cho tài khóa 1975. Số 700 triệu Mỹ kim này chưa tiêu hết và ngân khoản này đang được sắp đặt lại để đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết cho việc tiếp tế và trang bị quân sự”. Tiếp đó, ngày 22-4, Hạ viện Mỹ đã chấp thuận viện trợ khẩn cấp 330 triệu USD cho chính quyền Sài Gòn. Cùng ngày, 12 máy bay C141 của Mỹ cũng chở đầy vũ khí, đạn dược tới sân bay Tân Sơn Nhất...
Như vậy, kể từ khi buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam cho tới một tuần trước khi Quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập, buộc toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, thì Mỹ không hề “buông xuôi”, ngược lại vẫn cố dốc tài lực, hà hơi tiếp sức cho chính quyền Sài Gòn, vì mục đích của họ.
Duy Nguyễn