Theo nhiều nhà phân tích, chiến dịch không kích lực lượng IS ở Syria là một mũi tên Nga phóng ra nhắm vào nhiều đích. Trước hết, nhằm tiêu diệt lực lượng IS vốn cũng là một mối đe dọa không thể xem thường đối với an ninh quốc gia Nga, ngay trong hang ổ và trước khi nó lan đến lãnh thổ Nga. Thứ hai, trực tiếp hỗ trợ Chính phủ Tổng thống Syria-Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Nga ở Trung Đông vào thời điểm quân đội Syria đang ngày càng mất dần lãnh thổ vào tay phe đối lập và các nhóm phiến quân Hồi giáo.Thứ ba, đơn phương thực hiện chiến dịch không kích mà không hề phối hợp với liên quân chống IS do Hoa Kỳ đứng đầu, Nga
đã thực hiện một cuộc “đảo chính ngoại giao”-như cách diễn đạt của bình luận viên Tim Lister từ CNN, qua đó nhằm nâng tầm ảnh hưởng của mình lên đáng kể trong khu vực, đồng thời làm lu mờ vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống IS vốn đang rơi vào bế tắc và gây ảnh hưởng tới trọng tâm chính sách ngoại giao của các nước châu Âu. Thứ tư, sau khi sáp nhập Crimea, Nga đang phải hứng chịu sự chỉ trích, cô lập cùng lệnh cấm vận nặng nề của phương Tây, gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Nga cũng như tạo ra nguy cơ và áp lực đối với ông Putin và Chính phủ Nga. Trong bối cảnh đó, việc can thiệp quân sự vào Syria sẽ giúp củng cố hình ảnh của nước Nga trong lòng dư luận như một cường quốc có khả năng định hình thế cuộc, nâng cao thêm nữa uy tín của Tổng thống Putin trước cuộc bầu cử sắp đến gần, nếu ông quyết định ra tranh cử một lần nữa.
Động thái bất ngờ này của Moscow đã đẩy Hoa Kỳ vào thế bối rối. Trong khi “suy nghĩ” để có một quyết sách có lợi, giới chức Hoa Kỳ-như họ vẫn làm trong những tình huống tương tự, đã cao giọng cáo buộc các cuộc oanh kích của không quân Nga “không nhằm vào IS và làm thiệt mạng hàng chục thường dân” (?). Tuy nhiên, ai cũng biết, tình trạng “nước sôi lửa bỏng” hiện nay ở Syria và ở Trung Đông nói chung chính là hậu quả chính sách cường quyền, hai mặt do phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ tiến hành trong suốt mấy chục năm qua. Nay thì họ đang “lãnh đủ”, tỷ như từ dòng người di cư bất tận từ khu vực này. Thứ hai, thiếu vai trò của Nga, không một quốc gia hay liên minh quốc gia nào có thể giải quyết triệt để vấn đề Syria; việc các nước trong khu vực như Iran, Iraq, thậm chí Israel và tổ chức Hezbollah đồng loạt lên tiếng ủng hộ hành động của Nga và sẵn sàng phối hợp với Nga, là minh chứng rõ ràng nhất. Hoa Kỳ cũng nhận thức rõ điều này, vấn đề là họ có dám thừa nhận hay không mà thôi.
Nguyễn Đăng Song