Theo Bộ Công thương, nhóm hàng nông, thủy sản có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Do vậy cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu nông sản; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh.
Đối với nhóm hàng khoáng sản Bộ Công thương đề ra mục tiêu giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản. Vì vậy, dự kiến nhóm hàng này năm 2013 chỉ đạt kim ngạch 12,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 9,7% (giảm 0,6%).
Nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu là hàng công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2013 sẽ khó giữ được mức tăng trưởng cao như năm 2012 do một số mặt hàng chủ lực như điện tử, điện thoại di động đã có mức tăng cao trong hai năm vừa qua, trong khi đó quy mô sản xuất chưa được mở rộng. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm này đạt 83 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 66%.
Về lâu dài, Bộ Công thương đã đề ra mục tiêu là phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu, từng bước tạo tiền đề chuyển sang xuất khẩu trực tiếp, nâng cao khả năng canh tranh của sản phẩm, không ngừng ứng dụng các thiết bị khoa học mới, hiện đại hoá để từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Theo NDĐT
(TH)