Khi đưa trạm bơm vào hoạt động, huyện Sông Hinh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên và Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ xây dựng mô hình sản xuất lúa nước trên đất mới khai hoang theo hướng thâm canh cho bà con đồng bào Ê Đê và bước đầu đạt hiệu quả tốt.
Hội thảo đầu bờ tại ruộng lúa nhà Ma Kiêu ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh.
Với 1.500m2 lúa nước này, vụ hè năm nay gia đình Ma Kiêu đã thu được gần gấp ba lần so với vụ trước, nên chắc chắn sẽ không còn lo chạy gạo như trước nữa, nhất là kỳ giáp hạt.

Ma Kiêu vui mừng nói: “Nhờ có trạm bơm nước dẫn về tận ruộng mà chúng tôi đã làm được lúa nước cho năng xuất cao. Bụng bà con lại “ấm” rồi. Chúng tôi biết ơn cán bộ đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật từ khâu san ủi đất, đắp bờ ruộng, đến ủ giống, gieo sạ, hướng dẫn bón lót bằng phân chuồng; bón lân, đạm, ka li đúng theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Nhà nước giúp chúng tôi đủ cả, không có gì hơn là cám ơn nhiều”.

Cùng chung niềm phấn khởi, gia đình Y Sun với 7 khẩu ở buôn Bưng A cũng vừa thu hoạch xong một mùa lúa bội thu.

Theo Y Sun: Trước đây gạo ăn hàng ngày đều dựa vào một ha lúa rẫy, mỗi năm chỉ làm một vụ. Năm nào mưa thuận gió hòa thu được khoảng 30 bao, chỉ bằng 2 sào lúa nước bây giờ.

Gia đình Y Sun và Ma Kiêu là 2 trong số 16 hộ đồng bào Ê Đê ở 4 buôn: Buôn Gao, buôn Bưng A, Bưng B và buôn Học xã Ea Lâm tham gia mô hình sản xuất lúa nước trên đất mới khai hoang, với tổng diện tích 3,35 ha.

Vụ hè thu vừa qua, lúa của buôn Học đạt năng suất hơn gấp 2 lần trước đây.

Ông Đinh Ngọc Dạn-Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh khẳng định: Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn, đây là vụ đầu tiên đạt kết quả tốt, bà con ai cũng mừng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng, để bà con thay đổi tập quán, tăng diện tích lúa nước, đảm bảo lương thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lan Anh