Ngầm Ta Lê, một trong ba trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ tại cửa khẩu tiền tiêu quan trọng nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh.
Về đơn vị mới, việc đầu tiên chúng tôi tập trung tìm hiểu quy luật, thủ đoạn đánh phá của địch là sử dụng một máy bay lượn vòng ở độ cao trên tầm với của pháo cao xạ, chiếu la-de vào mục tiêu để máy bay phản lực lao xuống cắt bom.
Tuy nhiên để tia la-de “dẫn đường” được, trời phải quang mây. Nghĩa là điểm yếu chí tử của cách đánh này là khi trời nhiều mây, hoặc sương mù thì bom la-de cũng "mù" theo.
Chúng tôi kết luận: Đối sách hiệu quả nhất là tạo ra lớp mây để phủ kín ngầm.
Vấn đề ở đây là lấy gì để tạo mây? Làm thế nào để duy trì được mây trong nhiều giờ. Sau một thời gian vắt óc suy nghĩ, phương cách tạo mây của chúng tôi là sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ đốt tạo khói, như củi tươi trộn lẫn củi khô, lốp xe hỏng, đệm ghế, dầu máy thải... đốt thành khói thuận theo chiều gió.
Trong cái khó, ló cái khôn. Qua thực tiễn, anh em biết sử dụng bao nhiêu củi cho mỗi vị trí, cần đốt bao nhiêu điểm, khoảng cách, thời gian châm lửa đến lúc tạo được khói... Cuối cùng, anh em tìm được công thức "2 khô, 1 ẩm, 2 tươi" (2 phần củi khô, 1 phần củi ẩm, 2 phần củi tươi) cộng với một lượng chất phụ gia (xăng dầu thải, lốp xe...) sẽ tạo được màn khói tối ưu. Đồng thời giao cho một đội "cảm tử" chuẩn bị nguyên liệu sẵn ở vị trí gần trọng điểm, khi cấp thiết sẽ bổ sung kịp thời.
Kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn được áp dụng cho bảo vệ ngầm Ta Lê, khắc chế cơ bản thủ đoạn đánh phá mố ngầm bằng bom la-de của địch, về sau được áp dụng cho cả các trọng điểm khác.
Đúng là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Mặc dù địch vô cùng xảo quyệt, áp dụng mọi thủ đoạn thâm độc, hòng hủy diệt, ngăn chặn tuyến chi viện, nhưng chúng đã bị vô hiệu hóa bởi lòng quả cảm và trí thông minh của những người lính Trường Sơn.
Đại tá Hoàng Văn Kính (nguyên Đại đội trưởng - Chính trị viên c3, d33, BT34)