Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, đó chỉ là bước đi chiến thuật của Hoa Kỳ và Washington đang nỗ lực tạo ra chiến thuật mới trên các mặt trận khác.
Điển hình là vụ việc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới đây phanh phui các vụ tham nhũng của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), dẫn đến việc Chủ tịch tổ chức đầy quyền lực và quyền lợi này-Sepp Blatter buộc phải tuyên bố từ chức chỉ 4 ngày sau khi tái đắc cử. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc 14 quan chức trong làng túc cầu thế giới, bao gồm cả một số nhân vật chóp bu của FIFA với những tội danh tham nhũng, hối lộ, rửa tiền, gian lận… trong các thỏa thuận tiếp thị, bản quyền truyền thông gắn với các giải đấu của FIFA.
Giám đốc Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI)- James B. Comey giải thích rằng, theo luật pháp Hoa Kỳ, các cơ quan thực thi pháp luật nước này có thẩm quyền rộng trong việc theo đuổi các cuộc điều tra hình sự miễn là vụ việc có dính dáng đến nước Hoa Kỳ, dù là rất nhỏ. Theo đó, “nếu công ty tham nhũng của anh chạm vào lãnh thổ của chúng tôi… anh sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Comey cho biết.
Tuy nhiên, có một sự thật rằng không phải bây giờ người ta mới biết FIFA tham nhũng và Hoa Kỳ là một đất nước nơi mà bóng đá không phải là môn thể thao vua, trong khi đa số các quan chức FIFA không phải là người Hoa Kỳ.
Chính vì vậy, theo giới phân tích, đằng sau sự việc có vẻ chỉ liên quan tới thể thao là cả một động cơ địa chính trị chống Nga-nước đăng cai World Cup 2018 sắp tới. Ông Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị Nga cho rằng, Hoa Kỳ vốn đang xung đột với Nga xung quanh vấn đề Ukraine, sẽ dùng vụ bê bối FIFA để gây áp lực tước bỏ quyền đăng cai World Cup của Nga. Nếu khả năng này xảy ra, Nga không chỉ sẽ thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế mà hình ảnh nước Nga trên thế giới cũng như uy tín của Tổng thống Nga V. Putin sẽ bị giáng một đòn mạnh, đồng thời sẽ mang lại lợi ích chính trị rất lớn cho Hoa Kỳ.
Do đó, không khó hiểu khi Nga coi vụ điều tra FIFA là một phần chiến dịch hạ uy tín Nga của Hoa Kỳ, một cuộc chiến chống Nga chứ không chỉ là chống tham nhũng. Thể thao, World Cup, FIFA… đã bắt đầu trở thành một lá bài, một đấu trường mới giữa Hoa Kỳ và Nga.
Không khó hiểu khi Tổng thống Putin cho rằng, mục tiêu thực sự của chiến dịch trấn áp tham nhũng trong FIFA của Hoa Kỳ là lý do địa chính trị. “Nếu có điều gì xảy ra thì nó cũng không xảy ra trên đất Mỹ. Người Hoa Kỳ chắc chắn không liên quan gì tới việc này. Đây rõ ràng là một minh chứng nữa cho thấy Hoa Kỳ muốn áp đặt phán quyết của mình cho các nước khác”, ông Putin nhấn mạnh.
Trong khi đó, tờ The Guardian của Anh không ngần ngại ví “vụ FIFA” này như vụ Watergate năm 1972, khiến cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon sau hai năm cầm quyền trong nhiệm kỳ 2 phải từ chức.
Trong bối cảnh đó, người ta không thể không liên hệ tới những tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sau Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở Đức mới đây, cho thấy Washington còn xa vời với nhận thức đã đến lúc Hoa Kỳ và Nga cần phải từ mối đe dọa lẫn nhau chuyển sang đối thoại. Tuần báo The Nation miêu tả: "Sau khi bày tỏ mãn nguyện với sự cô lập Nga từ G-7, Tổng thống Hoa Kỳ không khỏi không hài lòng cho rằng nhờ cơ chế trừng phạt của EU mà Nga đang lún vào suy thoái và tuyên bố sẵn sàng áp đặt các trừng phạt bổ sung đáng kể. Lời lẽ của ông Obama có vẻ phù hợp với ngữ điệu "chiến tranh lạnh".
Cũng không khó hiểu, vì hạ gục con gấu Nga là mục tiêu xuyên suốt của Washington!
Khổng Đức Bình