Nhằm thực hiện ý đồ khống chế đường tiếp tế, bảo vệ chủ quyền của quân ta ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã lần lượt thôn tính một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Ngày 31-1-1988, chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18-2-1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26-2-1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28-2-1988 chiếm bãi Tư Nghĩa. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép 4 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đầu tháng 3-1988, Hải quân Trung Quốc tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở khu vực quần đảo Trường Sa từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ, đội tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo...
Sáng 14-3-1988, khi các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản. Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15-3-1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh.
Để mãi ghi nhớ sự hi sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trọng trận chiến Gạc Ma, ngày 15-7-2017, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được khánh thành tại xã Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa.
Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma gồm các phần chính: Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” cao 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, thể hiện hình tượng 9 người lính hiên ngang, xả thân để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bao quanh là “Vòng tròn bất tử”; Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió”, có bia ghi danh 64 liệt sĩ với đầy đủ họ, tên, địa chỉ; Phần bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ...
Khu tưởng niệm là một “địa chỉ Đỏ” để mỗi người khi đến đây sẽ có dịp dừng chân, suy ngẫm về những đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng sẽ là nơi những người đang sống tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; là nơi thay thế mộ phần của các chiến sĩ còn chưa tìm thấy thi thể trong trận hải chiến Trường Sa không cân sức với quân Trung Quốc 29 năm về trước.
Nguyên Phong