Nhưng tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, mãi mãi là những bài học vô cùng quý giá, để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; giúp mọi người vượt qua những khó khăn, thử thách, vươn lên trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới; là một trong những người hiếm có, tiêu biểu cho nền đạo đức mới, mang tính nhân văn sâu sắc.

Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng; nếu không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, từ đó không hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó.

Trải qua 30 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đến năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Người không chỉ thường xuyên nêu lên tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng; chống tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, tham nhũng, lãng phí xa hoa mà còn cảnh báo về bệnh chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, trong cán bộ, đảng viên. Biểu hiện cụ thể của căn bệnh nói trên là sự tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, độc đoán chuyên quyền… Đây thực chất là "giặc nội xâm", làm hại tới lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Chính vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Người nói và làm theo, trở thành mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời mình phụng sự cho dân, cho nước. Bởi với Người, không có gì là của riêng mình. Gia đình của Chủ tịch là nhân dân, là Đảng và Tổ quốc Việt Nam. Do đó, mọi điều Người dạy và làm thì nhân dân đều ngưỡng mộ và làm theo, không chút đắn đo. Họ coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người "Như mình, gần mình và của mình". Nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người "Ta gặp lần đầu mà ngỡ như đã gặp từ lâu".

Công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay, đòi hỏi yêu cầu rất cao về năng lực lãnh đạo và phẩm chất đạo đức của mỗi tập thể, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân. Trước những thách thức mới, để ngăn chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và số ít người, công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức với các đối tượng trên là rất cần thiết. Mọi người phải thật sự nghiêm túc tự rèn luyện; tự mình "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".

Lời dạy bảo dặn dò đó đồng thời còn là hoài bão, niềm hy vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Mọi người, ai nấy đều học tập ở Người tấm gương rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lòng nhân ái bao la, trong sáng, thủy chung; lối sống giản dị, thiết thực, luôn có khát vọng vươn tới những chuẩn mực của chân thiện mỹ. Tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào kết quả của quá trình xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người quan niệm: "Ở các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Trong thời gian qua và hiện nay, Hội CCB Việt Nam đã có nhiều hình thức phong phú sinh động, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đánh giá cao. Thông qua những bài nói, bài viết, hình ảnh, những câu chuyện kể chân thực, sinh động về cuộc sống, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các CCB đã góp phần giáo dục, thuyết phục đồng đội và mọi người về tinh thần yêu nước, thương dân, lòng tự hào dân tộc; sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi Đảng và nhân dân yêu cầu.

Trong hơn 20 năm xây dựng và hoạt động, Hội CCB Việt Nam luôn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người; xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ XHCN. Cán bộ, hội viên luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", kiên định chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; gương mẫu chấp hành và tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại, suy nghĩ và thực hiện những lời dạy của Người, tự mình chiêm nghiệm về cuộc đời, về tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai nấy đều có thể học được để làm người cách mạng và người công dân tốt. Đó cũng là cách thiết thực nhất để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Báo CCB Việt Nam