Những phân tích khoa học và thực tế đã khẳng định, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam có chứa 366 kg đi-ô-xin xuống 24,7% diện tích đất tự nhiên toàn miền Nam. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ và oán hận. Xót xa hơn, sau gần 40 năm hậu quả, vết thương da cam đến tận bây giờ vẫn chưa lành. Thậm chí còn nghiêm trọng và lâu dài hơn mức người ta vẫn tưởng. Nó không chỉ làm cho người ta đau đớn về thể xác mà còn làm tổn thương nghiêm trọng về tinh thần. Hàng triệu người bị các bệnh ung thư và các bệnh nan y khác cùng con, cháu của họ bị dị dạng, tật nguyền. Có rất nhiều thực tế đau lòng trong hàng triệu mảnh đời đau khổ ấy.
Nhà nước và nhân dân ta đang dồn mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả này đối với nạn nhân là người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, nhưng chưa có kết quả như mong muốn.
Vậy mà, ngày 2-3-2009 vừa qua, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã công bố quyết định từ chối đơn thỉnh cầu của Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và các nạn nhân đề nghị xem xét lại phán quyết phi lý của Tòa án Sơ thẩm, Toà án Phúc thẩm Mỹ. Một lần nữa công bằng và công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã không được tôn trọng. Phán quyết đáng hổ thẹn đó cũng đồng nghĩa với việc tiếp tay cho 37 công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam/đi-ô-xin cho quân đội Hoa Kỳ rải xuống miền Nam và tiếp tục chối bỏ trách nhiệm trước hàng triệu số phận đau khổ của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, hậu quả của chiến tranh hóa học và chất độc da cam/đi-ô-xin không chỉ ảnh hưởng đến con người Việt Nam mà cả đến nhiều binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa... Họ cũng đã lên tiếng đòi chính phủ nước họ và chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại do chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra cho cơ thể và sức khoẻ của họ. Cuộc đấu tranh đòi công lý dẫn đến việc các công ty hóa chất Mỹ Đao Che-mi-cô, Môn-xan-tô và các nhà sản xuất khác, chấp nhận bồi thường 180 triệu USD cho các CCB Mỹ bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin. Chính phủ Mỹ cũng đã trợ cấp hàng tỷ USD mỗi năm cho các nạn nhân của họ.
Điều trớ trêu là những kẻ đã rải chất độc da cam/đi-ô-xin lên đầu người dân Việt Nam lại được bồi thường, trợ cấp, còn những người Việt Nam, nạn nhân trực tiếp bị rải chất độc thì bị chối từ. Không gì bất công hơn khi hàng triệu nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin lại bị bỏ quên.
Dư luận thế giới ngày càng làm sáng tỏ hơn trách nhiệm không thể chối bỏ của các công ty hóa chất Mỹ về vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Nhân danh Công luận và lương tâm quốc tế, theo sáng kiến của Hội luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL), ngày 15 và 16-5-2009, tại Pa-ri, Pháp, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế sẽ mở phiên tòa xét xử các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã cung cấp chất độc da cam/đi-ô-xin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Từ đó sẽ xem xét, rút ra những kết luận xác đáng về hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với môi trường, sinh thái, sức khoẻ của nhân dân Việt Nam; về trách nhiệm đạo lý và pháp lý của các công ty hóa chất Hoa Kỳ thể theo Luật quốc tế và Luật các quốc gia; trách nhiệm của các công ty hóa chất Hoa Kỳ phải thực hiện việc khắc phục hậu quả do việc sử dụng những sản phẩm của họ ở Việt Nam.
Rõ ràng việc làm của Toà án lương tâm nhân dân quốc tế là cần thiết, thể hiện tính công minh, nhân đạo, nó có sức lay động rộng rãi và mạnh mẽ dư luận quốc tế, trong đó có dư luận ở chính nước Mỹ. Hơn lúc nào hết đòi hỏi trách nhiệm của những người đã gây ra thảm họa chất độc da cam/đi-ô-xin và phải loại trừ mọi loại vũ khí hóa học ra khỏi đời sống loài người.
Cuộc đấu tranh đòi lại sự công bằng của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam là tiếng nói của lương tri và quyền con người đòi hỏi đạo lý và công lý, không chỉ vì cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam mà còn vì quyền lợi chính đáng của các nạn nhân chất độc da cam là các CCB Mỹ và các CCB nước khác đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Đây là hành động đầy ý nghĩa nhân đạo, đang được tất cả những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới ủng hộ.
Minh Phương