Ngày 15-8, tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết: Tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiêu cực với quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững...

Quyết tâm rất cao của Đảng ta trong cuộc chiến với “giặc nội xâm”, nhưng cũng phải thấy rằng PCTN, tiêu cực bao giờ cũng là nhiệm vụ khó khăn; bởi đối tượng ở trình độ cao, lắm thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện chứng cứ để đấu tranh; ví dụ, nhận tiền hối lộ, có đối tượng nào để lại chữ ký?

Mặc dù khó khăn, cam go nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức Đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023); thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện T.Ư quản lý.

Gần đây, có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên T.Ư Đảng đã bị cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, dù sao cũng cho thấy công tác PCTN bước đầu được phát huy toàn diện, cho thấy cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực được thực hiện với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.  

Nhưng so với yêu cầu đặt ra, thì cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực  vẫn chưa bền vững, nếu như không muốn nói là vẫn còn tiếp tục khó khăn. Làm thế nào để ít nhất là cán bộ, đảng viên từ cấp huyện trở lên đến T.Ư không tham nhũng, còn là câu hỏi không dễ trả lời. Mà “phòng” mới là mục tiêu hướng tới của cuộc đấu tranh cam go này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chưa có chuyển biến rõ rệt trong công tác PCTN, tiêu cực, trong đó có nguyên nhân do công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh các sai phạm, gắn với xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu chưa nghiêm và còn là khâu yếu. Mà mấu chốt vẫn phải là thanh tra, kiểm tra, giám sát quyền lực.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Phải xây dựng cho được cái “lồng luật pháp” để “nhốt quyền lực”. Tham nhũng sinh ra từ quyền lực không được giám sát, kiểm tra, thì cho dù  Đảng, Nhà nước có ban hành nhiều quy định nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác PCTN, tiêu cực; kể cả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực;

Đó là chưa nói, chỉ riêng “lồng luật pháp”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành hơn 30 văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và PCTN tiêu cực; trong đó có những văn bản về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng vẫn “chưa đủ” để PCTN, tiêu cực.

Một vấn đề là - ai cũng thấy trách nhiệm quan trọng, thậm chí có tính quyết định trong PCTN, tiêu cực của người đứng đầu, nhưng trên thực tế, thời gian qua lại chưa xử lý hình sự được người đứng đầu tội liên đới trách nhiệm; cao nhất mới chỉ ở mức cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với một số cán bộ, chủ yếu diện cấp ủy địa phương quản lý.

Quy định số 96-QÐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã đề cập tiêu chí đánh giá tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, là kết quả đấu tranh PCTN, tiêu cực của địa phương, đơn vị. Ðây là điểm mới quan trọng khẳng định quyết tâm của T.Ư trong việc đề cao trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý. Ngoài ra còn có những văn bản như quy định những điều đảng viên không được làm; quy định về trách nhiệm nêu gương; quy định về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ...

Đáng tiếc trên thực tế còn nhiều hạn chế. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Nguy hiểm hơn là đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cũng làm không thực chất. Không ai “lấy đá ghè chân mình” đang là thực trạng nhức nhối. Chúng ta đang thiếu “cơ chế giám sát” hiệu quả về trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo PCTN - Tô Lâm đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để PCTN, tiêu cực. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Quyết tâm, tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang mang đến luồng sinh khí mới.  

Hy vọng trách nhiệm người đứng đầu được xác định thực chất hiệu quả, công khai minh bạch hơn để mang lại lòng tin trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngô Đức Hành