Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bên cạnh mục tiêu trên, Hội sẽ tiếp tục khảo sát, nắm chắc những người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm đi-ô-xin trên địa bàn, phát triển tổ chức Hội đến 100% các huyện, TP của tỉnh đồng thời xây dựng được quỹ Hội ở toàn bộ các cấp huyện, TP.

5 năm qua, Hội đã vận động, quyên góp, ủng hộ được trên 1,8 tỷ đồng cho các nạn nhân da cam. Từ nguồn này, Hội đã thăm hỏi, động viên, trợ giúp được 1.747 lượt đối tượng với tổng số tiền trên 690 triệu đồng nhân dịp các ngày lễ lớn… Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin cũng được Hội rất chú trọng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, đa số các nạn nhân mắc từ 1-2 bệnh, khoảng 15-20% mắc từ 3-4 loại bệnh, trong đó nhiều nạn nhân mắc một số bệnh nan y. Hội đã hỗ trợ thường xuyên cho 47 nạn nhân trong việc khám bệnh và điều trị lâu dài, nhiều lần tại bệnh viện tuyến tỉnh và Làng Hữu nghị.

Công tác tuyên truyền cũng được Hội quan tâm. Năm vừa qua, Hội đã chủ động tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Hội với Cơ quan thường trú TTXVN tại Lạng Sơn, Báo Lạng Sơn, Đài PTTH Lạng Sơn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, họp khu dân cư. Qua đó, nhận thức trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn về hậu quả do chất độc da cam mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gây ra cho con người và môi trường ngày càng được nâng cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3.978 đối tượng là người tham gia kháng chiến trực tiếp cầm súng chiến đấu tại các chiến trường B, C, K trong những năm chống Mỹ bị nghi phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin. Tuy nhiên, đến nay mới có 732 người được hưởng trợ cấp hàng tháng của nhà nước, trong đó có 356 người trực tiếp nhiễm chất độc này, còn lại là các con, cháu của nạn nhân, hầu hết hoàn cảnh của họ đang gặp nhiều khó khăn.

Chí Đức

(Nguồn: Bộ LĐTBXH)