Chúng tôi về xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội) thăm Làng Hữu Nghị vào buổi sớm trời lất phất mưa. Lộc xuân đang chúm chím trên các cành lá. Cờ và biểu ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Anh đang được trang hoàng chuẩn bị cho ngày lễ trọng. Bộ phận nào cũng tích cực làm việc. Ông Nguyễn Cao Cử - Phó giám đốc Làng Hữu Nghị cho biết: Giờ này, các CCB, cựu TNXP đang được các bác sĩ ở Bệnh viện quân y 354 về trực tiếp khám và điều trị ở Trung tâm y tế. Chúng tôi đến thăm Trung tâm giáo dục-dạy nghề, ngôi nhà hai tầng khang trang nằm giữa vườn bưởi xanh rì, nơi có lớp giáo dục đặc biệt (GDĐB), có lớp học vi tính, lớp học nấu ăn, lớp học thêu, lớp học may dành cho các cháu thiếu nhi bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Đến lớp nào các em cũng đón tiếp tôi rất hồ hởi. Cô Nguyễn Thu Huyền - giáo viên lớp GDĐB 3 có 13 học trò đang ê a đọc bài. Các em nhỏ ở đây, có những em đã mười mấy tuổi đầu nhưng trong tư duy mới như lên 3, lên 4. Không nhớ nổi quê quán, không nhớ nổi ba mẹ. Đến lớp học nghề may, ở đây, ông Cử chỉ cho tôi em Đỗ Thị Hằng (30 tuổi) một bệnh nhân da cam đang mang trên mình căn bệnh não úng thủy, khiến đầu bị dị dạng, chân tay teo tóp. Hằng là con của thương binh Đỗ Văn Địu ở tỉnh Quảng Bình, bố mẹ sinh được 15 người con, nhưng đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hiện đã chết 12, còn lại 3 chị em, đều bệnh tật nặng nề do di chứng chất độc... Ngoài những lớp GDĐB, các em có khả năng tiếp thu khá hơn sẽ được học nghề. Cô Nguyễn Hồng Hải - giáo viên lớp may cho tôi xem một chiếc áo do chính các em nhỏ ở lớp làm. Thoạt nhìn không ai nghĩ nó được tạo nên từ những đôi tay không còn đủ ngón, những em nhỏ tật nguyền và khiếm khuyết.
Rời lớp học, chúng tôi đến thăm khu nhà T - khu nhà ở của các em. Làng có 5 ngôi nhà, mỗi nhà nuôi trên 20 em và chỉ có một “mẹ”. Cô Nguyễn Thị Hiền - “mẹ” nhà T2 có 9 năm gắn bó với Làng. Cũng như bao người mẹ khác, từ sáng sớm mẹ Hiền dậy đánh thức các em, chỉ bảo và giúp các em vệ sinh cá nhân, dẫn các em đi ăn sáng rồi lên lớp học. Trong lúc các em lên lớp, các mẹ ở nhà dọn dẹp nhà cửa và nhiều công việc không tên khác như đổ bô, giặt màn, vệ sinh giường chiếu... Cô Hiền ngậm ngùi: “Đã vào đến đây là con của các cô hết. Có những cháu đẻ ra dị dạng, bố mẹ sợ quá đưa chúng vào đây. Làng nhận lại, nuôi nấng dạy dỗ”. Không chỉ cô Hiền mà tất cả các cán bộ, nhân viên đều làm việc không biết mệt mỏi, tình nguyện gắn bó với Làng. 24/24 giờ trong ngày, các “mẹ” luôn có mặt tại Làng. Hiện nay, Làng Hữu Nghị thường xuyên điều dưỡng luân lưu trên dưới 200 người, bao gồm trẻ em khuyết tật và CCB của 34 tỉnh, thành phố từ Quảng Nam ra các tỉnh phía Bắc. Những hậu họa của cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có chiến tranh hóa học đang được chúng ta nỗ lực khắc phục. Ở Làng Hữu Nghị, hơn 20 năm qua đã có hàng nghìn lượt CCB, cựu TNXP và các cháu thiếu nhi được đón về nuôi dưỡng, điều trị và chăm sóc.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ông Đinh Văn Tuyên - Giám đốc Làng Hữu Nghị tiết lộ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Làng Huân chương Lao động hạng nhất lần thứ 2. Nghĩa là, Làng đã được 4 Huân chương Lao động cho 20 năm hoạt động, ghi nhận công sức và sự phấn đấu không mệt mỏi của Ủy ban Quốc tế, các Ủy ban quốc gia về Làng Hữu Nghị Việt Nam cũng như các thế hệ cán bộ, nhân viên của Làng và Huân chương này được trao nhân dịp ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 sắp tới. Ông bồi hồi nhớ lại, để có được 20 năm Làng Hữu Nghị chính thức đi vào hoạt động như ngày hôm nay là khoảng thời gian 10 năm chuẩn bị và xây dựng Làng (1988-1998). Ghi công đầu, ấy là ông George Mizo (1945-2003), một CCB Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và ông Georges Doussin (1930-2015) - những người đồng sáng lập nên Làng Hữu Nghị... để biến khu vực Đồng Lấm lầy thụt ngày nào trở nên Làng Hữu Nghị khang trang như ngày hôm nay. Bao dấu mốc đã đi qua lịch sử của Làng, đặc biệt là sự kiện ngày 18-3-1998, Làng đón 6 cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam ở huyện Hoài Đức, Quốc Oai (tỉnh Hà Tây, nay là T.P Hà Nội) về nuôi dưỡng và từ đó, ngày 18-3 trở thành Ngày truyền thống của Làng Hữu Nghị Việt Nam. Biết bao sự kiện xảy ra qua 20 năm xây dựng và đi vào hoạt động của Làng. Giám đốc Đinh Văn Tuyên tâm sự, ấy là tấm lòng của người dân xã Vân Canh đã sẻ chia đất ở cho Làng Hữu Nghị, là 16 Hội nghị của Ủy ban quốc tế và các Ủy ban quốc gia, là sự kiện lũ lụt ngập Làng năm 2008, là lúc Làng gặp khó khăn đặc biệt được vợ chồng Chủ tịch Ủy ban quốc tế Làng Hữu Nghị rút hết tiền tiết kiệm của gia đình ở Đức để cấp tốc chuyển sang, là việc Làng được lãnh đạo các cấp đến thăm, được Bộ Quốc phòng ra tay giúp đỡ... Sự kiện nào của Làng cũng đều thấm đậm tình thương yêu, của lòng nhân ái, của tình hữu nghị, hòa bình.
Một trong những kỷ niệm không bao giờ quên, đó là dấu mốc ngày 3-8-1998, Làng vinh dự được đón Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch danh dự Hội CCB Việt Nam đến thăm, tặng quà và trồng cây lưu niệm tại Làng. Nói chuyện với các CCB và cán bộ, nhân viên, Đại tướng dặn dò: “Làng Hữu Nghị Việt Nam thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nhân đạo đối với các cán bộ, chiến sĩ và con em các gia đình nạn nhân của chất độc hóa học. Đây là một việc làm có ý nghĩa đối với những người có công với nước, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Đây cũng là một việc làm đáp ứng lời dặn dò của Bác Hồ. Các anh chị em lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên hãy dốc lòng cố gắng, nhất định sẽ giành được thắng lợi trong nhiệm vụ cao cả của mình”.
Mưa đã hết từ lúc nào, nhường chỗ cho nắng xuân. Có đến mới biết, những khuôn mặt trĩu đau vì thương tật ngày nào ở Làng Hữu Nghị Việt Nam giờ đang hồng hào trở lại và rạng nở nụ cười. Chẳng ai còn muốn nhớ về quá khứ đau thương do chiến tranh nữa. Tôi hiểu, sức mạnh làm nên điều kỳ diệu ấy chính là tình người.
Ghi chép của Thanh Huyền