Du khách về thăm quê Bác.

Với mỗi người dân Việt Nam có một “địa chỉ đỏ”: Đó là làng Sen (Nam Đàn - Nghệ An) - nơi đã sinh ra vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, một danh nhân văn hóa kiệt xuất: Chủ tịch Hồ Chí Minh! Làng Sen (Kim Liên) có rất nhiều hồ sen, ao sen. Đặc biệt hoa sen nở vào tháng 5 là tháng có ngày sinh nhật của Bác - Ngày 19-5. Làng Sen, quê Bác đã trở thành quê chung trong tình cảm yêu mến không chỉ người dân nước Việt mà còn cả bạn bè quốc tế. Nhà thơ Xuân Hoài - người con đất miền Trung đã có tứ thơ rất hay khi viết về quê Bác - quê chung: “Bỗng nghe tiếng nói trăm miền/ Khi con bước tới làng Sen, làng Chùa” và nhà thơ bỗng nhận ra: “Bước chân bè bạn năm châu/ Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này”.

Về thăm quê Bác tháng 5, ta như được đi trong làn hương thơm dịu mát của hoa sen, loài hoa được xem như là biểu tượng quốc hoa của nước Việt bởi những phẩm cách thanh cao và luôn tỏa rạng, tỏa sáng vừa thoảng hương thơm ngát, vừa bình dị gần gũi với đồng quê mộc mạc; vừa cao vời khi được gắn vào logo của Hãng hàng không Vietnam Airlinesbay đến với mọi miền đất nước, với bạn bè năm châu như nhịp cầu vồng lấp lánh. Cái loài hoa thật lạ: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đó là sự thanh lọc cao cả cũng như ý chí tinh thần bất khuất của dân tộc ta kiên cường: “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong thơ Nguyễn Đình Thi. Ba sắc màu hoa sen hài hòa vào nhau: “Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng”. Tôn vinh nhau và đằm thắm trong nhau. Hoa sen có màu trắng trong tinh chất thanh khiết của thủy của nước; có cái màu xanh mướt của mộc, của cây; lại có cái màu vàng hoàng thổ của sự sang trọng phú quý ấm no.

Đi trong hương sen tháng 5, lòng ta bỗng bồi hồi ngân lên dào dạt cùng với làn gió tỏa hương nắng, hương sen với bài hát “Bác về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến với giai điệu da diết biết bao ân tình: “Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen” và “Hồ Chí Minh - Người là đài hoa sen toả ngát hương đời”.Tôi đứng bồi hồi bên cánh võng đay trong nhà Bác, cánh võng mà mẹ Hoàng Thị Loan trong những đêm trường vừa quay xe dệt vải vừa ru Bác những làn điệu dân ca xứ Nghệ mà mãi cho đến sau này Bác vẫn còn nhớ nguyên vẹn những lời hát, lời quê mạch nguồn dân ca đã là bầu sữa nuôi dưỡng tâm hồn Người. Cho đến lúc trước khi đi xa, Bác vẫn thèm nghe một khúc hát dân ca, một câu hò ví dặm trong bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn. Tôi hình dung cánh võng ấy như hình đất nước mắc hai đầu Bắc - Nam và miền Trung quê Bác là khúc giữa. Cánh võng chùng xuống như eo thắt miền Trung - miền quê với thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện con người nơi đây những phẩm chất kiên cường lòng hiếu học và nuôi chí lớn.

Về thăm quê ngoại Bác Hồ là làng Hoàng Trù, còn được gọi là làng Chùa - một cái tên thật nôm na bình dị. Sau cánh cửa tre rộng mở là lối đi giữa hai bờ dâm bụt dẫn chúng ta đến ngôi nhà thờ và hai ngôi nhà mái lợp tranh thân thiện nơi đây cách 135 năm, Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời. Những ngón tay mềm mại trìu mến của mẹ Hoàng Thị Loan đã từng chuốt từng sợi tơ vàng dệt nên những tấm vải cũng là dệt nên những ước mong đứa con của mình mai sau lớn lên học hành đỗ đạt tiếp bước theo cha. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba đã lên nước thời gian mài bóng. Chiếc khung cửi thân thiết đó đã được các kiến trúc sư cách điệu trở thành cái mái che đúc bằng bê tông trên mộ của bà Hoàng Thị Loan ở nơi núi Đồng Tranh một biểu tượng thanh cao bình dị lưu giữ nét làng nghề, làng quê truyền thống.

Cũng trong ngôi nhà ở Hoàng Trù, ta thật xúc động khi gặp lại các hiện vật đơn sơ giản dị trong cuộc sống đời thường của gia đình Bác. Đó là chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng có chiếc mâm bằng gỗ sơn đen. Tôi được nghe người dân làng Sen kể lại khi về thăm quê, Bác nhìn cái rương đựng lương thực có cái lỗ nhỏ mà ngày ấu thơ Bác và anh cả Khiêm từng thò ngón tay trỏ vào ngóay ngoáy bồi hồi lặng đi đôi mắt nhìn ra xa, Bác nói: “Các cô, các chú thật khéo giữ chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn đó”. Đặc biệt thật xúc động khi Bác đứng trước bàn thờ của mẹ và rưng rưng nói với mọi người: “Xưa nhà Bác nghèo bàn thờ chỉ làm bằng tre không có chân mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng giá vào hai bên cột đỡ bàn thờ lên, lợp bằng nứa trên trải bằng chiếc mộc”. Khi về thăm nhà, Bác đi theo lối cũ xưa, hỏi thêm lò rèn cố Điền rồi cái giếng Cốc quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ của mình.

Khi nói chuyện với bà con làng Sen với giọng trầm ấm áp quen thuộc, Người lẩy Kiều: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Đứng bên ngôi nhà trong vườn của Bác, tôi bỗng hình dung như đang gặp Bác về thăm quê: “Vẫn bộ áo nâu quen thuộc/ Đôi dép cao su bốn màu/ Bạc phơ chòm râu gió mát/ Bác về thăm lại quê xưa”. Cái làng quê, làng Sen yêu dấu: “Còn đó hàng rào dâm bụt/ Võng chao theo nhịp gió đồng/ Mái lá, tường tre, sân đất/ Hồn quê như níu bước chân” và “Giếng nước xưa còn trong vắt/ Theo chân Bác thấm mạch nguồn”. Tôi mới hiểu vì sao ngôi nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội lại được trồng hai hàng hoa dâm bụt theo dọc lối đi. Phải chăng sắc hoa ấy, cánh hoa đỏ nhụy vàng ấy gợi cho Bác nhớ về khu vườn ngôi nhà mình ở làng Sen nơi được trồng nhiều dãy hoa dâm bụt hiền hòa khiêm nhường mà thân thiết biết bao...

Bác Hồ - một nhân cách cao cả được sinh ra, được nuôi dưỡng, được tắm mình trong hương nắng của làng Sen chắt chiu chắt lọc, hương của cây đời xanh tươi, hương của tình người ấm áp. Trở về làng Sen, ta như bắt gặp nơi đây hình bóng của chính quê hương mình mộc mạc đơn sơ bình dị. Ta luôn thấy hình ảnh Bác đang đi giữa: “Làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha” (Thuận Yến) để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng với niềm kính yêu thành kính bao tình cảm yêu thương tìm về ký ức cội nguồn. Hương sen tháng 5 chính là làn hương cuộc đời của Bác. “Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn (Tố Hữu).

Hà Tĩnh, tháng 5-2025.

Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú