
Bác Hồ với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam, ngày 28-2-1969. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” vào mùa thu năm 1969. Hai mươi năm sau ngày Bác Hồ “đi xa”, Hội Cựu chiến binh Việt Nam mới ra đời. Thế nhưng lúc sinh thời Bác đã luôn ân cần chăm sóc, động viên và dành tình cảm đặc biệt cho anh chị em cựu chiến binh.
Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một nhà nước kiểu mới mà mọi quyền lực đều bắt nguồn từ nhân dân.
Nhưng niềm vui được hưởng độc lập, tự do của nhân dân ta chưa trọn vẹn vì chỉ 21 ngày sau Ngày Quốc khánh, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, đã gây hấn ở Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục cầm súng, đứng lên cứu nước. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trên chiến trường hoặc khi trở về đã mang thương tật.
Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt T.Ư Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và chết tăng lên nhanh chóng do sự chênh lệch về trang bị vũ khí cũng như những chiến thuật chiến đấu. Trước yêu cầu đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh gia đình tử sĩ, theo sự chỉ đạo của Bác Hồ, Ngày 19-7-1947, Bộ Thương binh - Cựu binh được thành lập.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xuất phát từ ý chí hòa bình, từ nhu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và nhu cầu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế và văn hóa theo kế hoạch để kiến thiết miền Bắc tiến dần lên CNXH, Đảng và Chính phủ đã chủ trương giảm bớt quân số và dần dần thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự để thay thế chế độ tình nguyện tòng quân. Để ổn định đời sống của các CCB, theo sự chỉ đạo của Bác, ngày 12-6-1957, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 250-TTg quy định về chính sách đối với quân nhân phục viên. Nghị định nêu rõ: “Trong kháng chiến nam nữ thanh niên đã hăng hái tham gia quân đội chiến đấu vì quyền lợi của Tổ quốc, vì sự nghiệp của cách mạng… Những quân nhân phục viên đều là những người đã tham gia chiến đấu lâu năm, được rèn luyện và giáo dục nhiều về ý thức tổ chức, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý thức lao động, ý thức tập thể và kỷ luật lao động. Nhưng trong anh em nhiều người đến nay cơ sở sản xuất ở địa phương và hoàn cảnh gia đình đã thay đổi; một số anh em thì sức khỏe bị kém sút…”.
Nghị định số 250-TTg với nhiều chính sách ưu đãi đã giúp nhiều CCB lúc đó ổn định đời sống sau khi phục viên, chuyển ngành.
Tháng 5-1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ và CCB: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn CCB: “Các chú đã kinh qua một lịch sử vẻ vang… với truyền thống oanh liệt của Quân đội thì bất kỳ đi đâu, làm gì đều phải gương mẫu”. Khắc ghi lời dạy của Người, các thế hệ CCB Việt Nam đã phát huy truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”, góp sức xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững, là tấm gương sáng cho mọi người cùng noi theo.
Anh Minh