Cởi mở, thẳng thắn và đi đến tận cùng của vấn đề
Đầu tiên phải kể đến các phiên chất vấn, một nội dung luôn nóng và luôn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm nhất tại mỗi phiên họp trong các năm gần đây. Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn về 4 nhóm nội dung liên quan đến những vấn đề bức xúc là: Tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý hoạt động văn hóa, chất lượng du lịch, giữ vững nền tảng đạo đức xã hội; vấn đề khám chữa bệnh, giá thuốc chữa bệnh, y tế cơ sở; huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn lần này đều rất thiết thực, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được những mối quan tâm, bức xúc của cử tri và nhân dân thời gian gần đây.
Theo đánh giá, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao. Qua tổng kết, đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận tạo ra một bầu không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Các đại biểu đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận và luôn đi đến tận cùng của vấn đề.
Một điểm nhấn của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, cùng với phần trả lời của các Bộ trưởng, các Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực cũng trực tiếp tham gia giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
**
Không để Đà Nẵng tự quyết vấn đề Sơn Trà**
Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần qua. Phó thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp thu ý kiến và muốn Đà Nẵng phối hợp với Bộ VHTTDL rà soát lại toàn bộ vấn đề này và cần thống nhất trong Đảng bộ thành phố, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Chính phủ luôn chú trọng phát triển bền vững trong quá trình phát triển. Khi các yếu tố bền vững chưa được đảm bảo thì tốt nhất là lui lại đến khi có đủ điều kiện sẽ làm. Cả nước đều yêu mến, vì Sơn Trà và chắc chắn nhân dân Đà Nẵng cũng vậy. Nhân dân Đà Nẵng sẽ đóng góp trí tuệ của mình để cùng với với chính quyền địa phương và Chính phủ bảo vệ Sơn Trà tốt hơn. Khi chính quyền thành phố vào cuộc sẽ có giải pháp tạo sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước.
Thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này, nhiều đại biểu có những ý kiến bày tỏ sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực cho hệ sinh thái của bán đảo Sơn Trà nếu khu du lịch được xây dựng và đi vào hoạt động. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (T.P Đà Nẵng) nêu vấn đề: Việc thẩm định, phê duyệt Khu du lịch Sơn Trà đã đúng quy trình, thủ tục chưa? Có bảo đảm thống nhất khả thi không? Dựa vào tiêu chí nào để đưa ra con số 1.600 phòng. Còn đại biểu Ngọ Duy Hiểu (T.P Hà Nội) cho rằng cử tri đang lo ngại khi 3 bản quy hoạch về Sơn Trà từ năm 2014-2016, cứ mỗi năm có 1.000ha rừng bị cắt trong quy hoạch này. Tranh luận sôi nổi nhất về vấn đề Sơn Trà chính là đại biểu Trương Trọng Nghĩa (T.P Hồ Chí Minh) khi ông cho rằng không thể giao vấn đề Sơn Trà cho Đà Nẵng tự quyết mà Chính phủ và T.Ư phải vào cuộc để tìm gia giải pháp tốt nhất cho việc bảo tồn Sơn Trà...
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015
Ngày 19-6, với 454 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,46%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016. Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 195.900 tỷ đồng; vay ngoài nước 67.235 tỷ đồng. Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan T.Ư, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.
Tách dự án sân bay Long Thành
Cũng trong tuần, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần. Theo đó, Nghị quyết quy định tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần. Diện tích đất thu hồi bao gồm: Diện tích đất của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (5.000ha) và diện tích đất xây dựng các khu tái định cư tập trung, diện tích nghĩa trang, diện tích các công trình phục vụ tái định cư. Việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Khu tái định cư tập trung phải được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của địa phương.
Hoàng Linh