Tại Nam Định, tuy bão không trực tiếp đổ bộ vào, nhưng ảnh hưởng của bão cũng gây ảnh sạt lở nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn. Đến 9h30' sáng 31/7, Nam Định đã khắc phục xong hậu quả cơn bão tại các tuyến đê huyện Nghĩa Hưng. Tại tuyến đê biển thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng, đoạn từ K7+644 đến K7+814 bị sạt lở chân đê phía biển đã xử lý bằng rọ thép đựng đá hộc theo 2 hàng ngang, dọc; đoạn từ K7-820 đến K7+860 bị sạt mái đê phía biển từ cao trình +2,5 đến +3 đã xử lý bằng rọ thép đựng đá hộc. Trên tuyến đê bối Ngọc Lâm, mái đê bị sạt tổng chiều dài 25m, khối lượng sạt khoảng 50m3 đã được xử lý bằng bạt chắn sóng. Tuyến đê Cồn Xanh, mái đá cống CM2 (K2+087) cũng bị sạt 2 hố được xử lý bằng bao tải đất. Cũng tại tuyến đê này, mái đá cống CM4 (K7+096) bị sạt đang được xử lý bằng bao tải đất.
Hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không bị ảnh hưởng do bão, song bên cạnh việc nhanh chóng khắc phục sự cố đê biển, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ mùa. Các địa phương tranh thủ cấy lúa mùa, phấn đấu cấy xong trước 4-8.
Tại thành phố Hải Phòng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, bão số 3 đã phá hỏng một số đoạn đê, kè ở quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải; gây thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực quận Dương Kinh.
Tại quận Đồ Sơn, triều cường kèm gió bão đã phá hơn 600m kè ở khu du lịch quốc tế Hòn Dấu và đường phía Đông thuộc phường Vạn Hương; nước tràn vào khu vực trung tâm quận đến khu vực chợ Cầu Vồng; một số tảng đá ở đường phía Đông khu du lịch bị vỡ.
Công tác di dời người dân tại khu vực gần đê xung yếu và khu vực nguy hiểm như: Đồng Bài, Văn Phong, Nghĩa Lộ, Hải Lộc, Kiến Lộc và thị trấn Cát Hải đã được huyện triển khai khẩn trương, an toàn. Một số vùng nuôi thủy sản ở khu vực Tân Thành, Hải Thành, Vũ Yên, Tràng Cát (quận Dương Kinh), bị nước triều cường tràn bờ, gây thiệt hại cho các hộ nuôi thủy sản…
Đến 22h ngày 30/7, do nước triều cường chưa rút nên quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải chưa đánh giá chính xác được mức độ thiệt hại do sạt lở đê và kè. Cũng trong tối 30/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đã chỉ đạo quận Đồ Sơn và thị trấn Cát Hải cũng như các địa phương khẩn trương đánh giá thiệt hại do bão số 3 gây ra, đồng thời triển khai ngay các biện pháp khắc phục.
Tại Nghệ An, Thông kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão đến sáng 31-7, bão số 3 đã làm chết một người; 5 nhà tốc mái; ngập 1.610ha lúa, 1.620ha vừng, 220ha dưa, 95ha đậu.
Trên địa bàn tỉnh, tại các huyện ven biển, mưa gió đã hết; một số tàu thuyền đã bắt đầu ra khơi đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, để tránh rủi ro đang tiềm ẩn trên biển, ngư dân không cho tàu ra khơi xa mà chỉ đi khai thác ở những ngư trường quen thuộc và đi theo lộ trình một đến 2 ngày là trở về. Cũng trong sáng 31-7, có 62 phương tiện đánh bắt thủy sản với 293 lao động trên biển là người của các tỉnh khác đến tránh trú bão tại các vùng biển trong tỉnh Nghệ An đã tổ chức xuất tàu rời nơi trú ẩn để ra khơi đánh bắt thủy sản hoặc trở về lại địa phương mình.
Theo đánh giá ban đầu, nhờ làm tốt công tác phòng và chống bão số 3, nên những thiệt hại mà nó gây ra không lớn. Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, dự báo và cảnh báo kịp thời, nhất là các tỉnh miền núi để có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh; khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, có biện pháp giúp đỡ đối với những hộ gia đình bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống.
Thu Hương