Ngay sau ngày Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Thường vụ T.Ư Đảng đã ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, trong đó, cùng với việc xác định rõ mục đích, tính chất, chính sách cho “cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc”, Ban Thường vụ T.Ư Đảng còn nêu cách đánh là “Phải triệt để dùng du kích vận động chiến”. Tiếp đó, khoảng tháng 3-1947, trong văn kiện “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, Tổng Bí thư Trường Chinh lại nhấn mạnh: “Muốn tiến công tiêu diệt địch, phải năng dùng du kích chiến và vận động chiến”… Đây là sự nhìn nhận, lựa chọn vô cùng sáng suốt, chính xác của Đảng khi phát động toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện chủ trương này của Đảng, các lực lượng vũ trang ta đã vừa chiến đấu vừa xây dựng, kiên trì phát triển tiềm lực từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ trang bị thô sơ tới hiện đại, từ hoạt động phân tán, du kích, đến tác chiến tập trung. Ngày đầu đánh Pháp, quân chủ lực còn rất mỏng, ta vừa đánh du kích, vừa tập đánh chính quy. Khi quân chính quy phát triển, ta vừa đánh chính quy, vẫn vừa đánh du kích. Ta giăng thế trận cài răng lược, thế trận không mặt trận, thế trận bao vây và cả thế trận tiêu thổ. Ta chia bộ đội chủ lực thành các bộ phận nhỏ theo chủ trương “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, áp sát, luồn vào sâu trong lòng địch để dìm chúng. Có lúc quân chính quy rút lui, nhưng quân du kích vòng lại phía sau địch mà chiến đấu. Có khi bộ đội trà trộn vào dân, vừa sản xuất vừa đánh giặc. Lại có khi địch tiến công vào vùng ta, ta chặn đằng trước ít, song đánh thọc sau lưng và đánh ngang sườn nhiều. Gặp địch ở đâu, ta mở trận địa ở đó. Ta đánh chúng bằng cả cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, với ba lực lượng nòng cốt: Quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Mỗi căn cứ nằm trong vùng địch kiểm soát, ngỡ như bị địch bao vây, nhưng tất cả các căn cứ hợp lại thành lưới lửa dày đặc bủa vây chúng, “làm cho địch đói, khát, mù, điếc, câm, mệt mỏi, chán nản” và “làm cho giặc đụng vào đâu cũng gặp người dân [Việt](javascript:void(0)) Nam cầm súng chống lại chúng, thà chết không chịu làm nô lệ” như Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Thường vụ T.Ư và Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ ra…
Tuy nhiên, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần giải thích về chủ trương “Du kích vận động chiến” của Đảng: “Không có du kích chiến thì không thể có vận động chiến, nhưng nếu du kích chiến mà không tiến lên vận động chiến, thì không những nhiệm vụ chiến lược tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai không thực hiện được, mà chính bản thân du kích chiến cũng không thể duy trì và phát triển”, nên khi đề ra chủ trương phân tán hai phần ba quân chủ lực thành các đại đội độc lập, cài cắm sâu vào các vùng địch tạm chiếm, thì Đảng vẫn chỉ đạo quân đội giữ lại một bộ phận chủ lực để lập ra các “tiểu đoàn tập trung” trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy và các liên khu, để “xây dựng lực lượng chính quy”, tiến tới “chiến tranh chính quy”. Nhờ thế mà lúc “du kích chiến” càng lan rộng, thì chiến công từ các trận “vận động chiến” vẫn nối tiếp, như Việt Bắc (1947); Phủ Thông, Mộc Hóa, La Bang (1948), rồi Sông Lô, Sông Thao, Hòa Bình (1949)…
Cho đến cuối năm 1950, từ phương thức tiến công “Du kích vận động chiến”, Quân đội ta đã lớn mạnh vượt bậc, đã phát triển quy mô tới lữ đoàn, đại đoàn, có thể tiến công địch trong hiệp đồng [binh](javascript:void(0)) chủng, đã tác chiến tập trung trong đội hình chiến dịch lớn; vừa đánh vận động vừa đánh công kiên, tiêu diệt cỡ tiểu đoàn, binh đoàn địch khi chúng cơ động hoặc phòng ngự trong các cụm cứ điểm có hầm hào và công sự vững chắc; làm địch tan tác, tối mặt, tối mày như những trận đánh ở mặt trận Biên Giới - trận mở đầu cho giai đoạn tiến công, đưa cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta đến toàn thắng.
Bài và ảnh:
NGUYỄN PHÚC ẤM