Đây là lần đầu tiên một hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức tại Việt Nam, có sự tham gia của hơn 50 học giả, nhà nghiên cứu từ 19 quốc gia . Hội thảo lần này là diễn đàn có tính khoa học thuần túy nhằm chia sẻ quan điểm, các kết quả nghiên cứu về Biển Đông từ nhiều góc độ khác nhau như khoa học pháp lý, chính trị và quan hệ quốc tế... Nội dung chính trong hội thảo tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung về tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, an ninh khu vực; vị trí của Biển Đông trong chiến lược của các quốc gia liên quan; nguồn gốc và diễn biến tình hình các tranh chấp hiện nay, đánh giá về hệ lụy đối với an ninh và hòa bình khu vực của những diễn biến mới đây trên Biển Đông; đánh giá về hiệu quả của các cơ chế hiện có trong khu vực nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng và thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các mô hình hợp tác hiệu quả cùng những đề xuất về biện pháp tăng cường lòng tin, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.
Hai phiên thảo luận đầu tiên trong buổi sáng khai mạc hội thảo, đã tập trung vào các chủ đề về tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường quốc tế mới. Trong hai phiên này, các đại biểu đã nghe 12 bài trình bày, tham luận và tham gia phần trao đổi tự do. Các ý kiến đều nhất trí cho rằng Biển Đông có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược an ninh, kinh tế (vận tải và tài nguyên) không chỉ đối với các quốc gia xung quanh vùng biển này mà còn đối với nhiều nước khác ngoài khu vực, do đó, Biển Đông có ý nghĩa lớn đối với sự thịnh vượng, nền hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Hiện tại, trên Biển Đông đang có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan và có xu hướng tăng lên. Các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp. Đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy các nước liên quan quan tâm tới giảm căng thẳng và tìm kiếm hợp tác về các lĩnh vực liên quan tới Biển Đông, thể hiện qua việc ASEAN-Trung Quốc thông qua DOC (Tuyên bố về hành vi ứng xử), hợp tác nghiên cứu khoa học, cứu nạn... Các học giả thống nhất rằng với xu thế hòa bình và hợp tác khu vực hiện nay, với quan hệ nhìn chung tốt đẹp giữa ASEAN và Trung Quốc, tình trạng lệ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai bên và sự xuất hiện các vấn đề toàn cầu cần tới nỗ lực hợp tác của các bên.
Các học giả nhấn mạnh các nỗ lực hợp tác cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, hướng vào các lĩnh vực như ngăn ngừa khủng hoảng, xây dựng cơ chế hợp tác, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực Biển Đông, tăng cường hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên và học tập kinh nghiệm của các khu vực khác./.
Cao Thuý