Với chủ đề "Pháp ngữ, các thách thức môi trường và kinh tế đối với quản trị toàn cầu", Hội nghị Cấp cao lần này đã tập trung vào một số nội dung lớn như vai trò của châu Phi trong khối Pháp ngữ và quản trị toàn cầu, những thách thức về môi trường và kinh tế, tăng cường phổ biến tiếng Pháp, tình hình an ninh-chính trị quốc tế và tại một số nước nói tiếng Pháp đang gặp khủng hoảng.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế-xã hội, môi trường, năng lượng, lương thực…, gây nhiều tác động không thuận đến các thành viên Cộng đồng Pháp ngữ.

Những tác động có thể thấy rõ như khó khăn kinh tế ảnh hưởng xấu đến nguồn đầu tư, viện trợ cho các nước thành viên đang và kém phát triển, hay sự biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc bảo vệ môi trường sống….

Do đó, chủ đề của Hội nghị lần này được đặt ra với mong muốn tìm giải pháp cho các vấn đề trên tại các nước thành viên cũng như trên bình diện quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp có trách nhiệm vào hoạt động của Cộng đồng.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một nước thành viên, tham gia tích cực tất cả các cơ chế và tổ chức của Cộng đồng, ủng hộ và có sáng kiến thúc đẩy đoàn kết giữa các nước thành viên, đặc biệt giúp các nước nghèo và đang phát triển phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội và hội nhập đời sống quốc tế.

Phó Chủ tịch nước ghi nhận những kết quả đáng khích lệ mà Cộng đồng Pháp ngữ đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực, hoan nghênh các nỗ lực tăng cường vị thế quốc tế của Cộng đồng Pháp ngữ, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như các cuộc khủng hoảng, xung đột tại một số nước thành viên.

Phó Chủ tịch nước mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ điều chỉnh hợp lý những ưu tiên chiến lược trong hoạt động nhằm vươn lên tầm cao mới, đặc biệt chú ý tìm kiếm thêm nguồn lực từ bên ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực khác như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu...

Trong phiên bế mạc chiều 14/10, các nhà lãnh đạo Pháp ngữ đã thông qua Tuyên bố Kinshasa, các nghị quyết về tình hình một số nước thành viên, vấn đề chống cướp biển tại Vịnh Guinea, các văn bản định hướng về hợp tác 3 bên, thúc đẩy không gian số Pháp ngữ và về chính sách thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp.

Cũng tại Hội nghị lần này, Cộng đồng Pháp ngữ đã tiếp nhận 2 thành viên mới là Qatar với tư cách thành viên liên kết và Uruguay với tư cách quan sát viên, chuyển quy chế cho Armenia từ thành viên liên kết lên thành viên đầy đủ./. Theo TTXVN A Hoàng