Anh Phạm Văn Quý đang làm việc tại Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam hỏi: Quy định của luật BHXH về điều kiện hưởng chế độ ốm đau của người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: - Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế (Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau); - Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở Hà Nội có chồng đang là quân nhân hỏi: Mức tiền lương để tính mức hưởng trợ cấp ốm đau trong thời gian quân nhân hưởng trợ cấp ốm đau được thăng quân hàm hoặc nâng lương?

Trả lời: Tại khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, quy định: “Trong thời gian hưởng trợ cấp ốm đau nếu Chính phủ tăng mức lương cơ sở, hoặc người lao động được phong, thăng quân hàm, nâng lương, tăng phụ cấp thâm niên nghề hoặc thâm niên vượt khung thì mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động vẫn được tính theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị bệnh”.

Ban Chính sách