Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, theo danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, giai đoạn 2003 - 2007, sẽ tập trung xử lý triệt để đối với 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giai đoạn 2008 - 2012, sẽ tiếp tục rà soát, xử lý đối với các cơ sở còn lại và các cơ sở mới phát sinh. Chỉ với 40 tỉnh, thành phố lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý trong giai đoạn II, tổng số đã lên tới con số 541 cơ sở.
Trong số này, có 409 cơ sở đang triển khai xử lý. Nằm ngoài các cơ sở nói trên, số cơ sở sản xuất độc hại, gây ô nhiễm trong khu dân cư phải xử lý còn rất lớn. UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt kế hoạch di dời 1.402 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm (kết quả đã hoàn thành di dời 1.261 cơ sở). Tương tự, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch di dời gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô.
Mục tiêu là như vậy song tiến độ xử lý nhiều dự án bị chậm do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn I, có 313 cơ sở không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 71,3% và có 126 cơ sở đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm 28,7%.
Một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ, theo Bộ TN-MT, chính là thiếu kinh phí phục vụ di dời. Bộ TN-MT năm nào cũng đề nghị hỗ trợ các địa phương để xóa cơ sở ô nhiễm song đến nay, mới có 45 dự án được hỗ trợ với gần 188 tỷ đồng. Trong đó, có 32 dự án bệnh viện, 10 dự án bãi rác, 3 dự án xử lý kho thuốc bảo vệ thực vật.
Những vướng mắc nêu trên sẽ được tháo gỡ bởi Quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) cùng được hỗ trợ về tài chính trong quá trình di dời.
Cụ thể, NLĐ đang thực hiện hợp đồng lao động mà đã làm việc từ 12 tháng trở lên tại doanh nghiệp phải di dời, khi nghỉ việc được hỗ trợ 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương cho mỗi năm thực tế làm việc và 6 tháng tiền lương và phụ cấp lương để tìm việc làm mới. NLĐ đang thực hiện hợp đồng lao động mà đã làm việc từ 6 tháng trở lên tại doanh nghiệp phải di dời tính đến thời điểm ngừng việc, trong thời gian ngừng việc được hỗ trợ 1 tháng tiền lương và phụ cấp tiền lương cho mỗi tháng ngừng việc, nhưng tối đa không quá 12 tháng. NLĐ có nguyện vọng học nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo tối đa 12 tháng.
Tương tự, doanh nghiệp được hỗ trợ do ngừng kinh doanh với mức 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 3 năm liền kề trước đó được cơ quan thuế xác nhận. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế phải ngừng kinh doanh nhưng không quá 2 năm.
Bên cạnh đó, còn có hỗ trợ đào tạo nghề bằng hình thức dạy nghề cho số lao động tuyển mới để làm việc tại vị trí mới với mức 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp chưa được nhận khoản hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư tại vị trí mới mà phải vay của các tổ chức tín dụng để thực hiện dự án thì được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay.
Bên cạnh tăng hỗ trợ tài chính để tăng tốc dự án, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết, cần liên tục thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh: “Phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, xử lý nghiêm đối với các cơ sở chây ỳ, chậm tiến độ xử lý. Trong đó, có thể tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động. Đặc biệt, kèm theo đó, phải làm rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành và địa phương trong việc chậm trễ tổ chức triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm thuộc trách nhiệm được giao...”.
Hoàng Linh (TH)