Một máy bay F-105 của Mĩ bị bắn rơi
Chiều ngày 23-8-1967, không quân Mỹ sử dụng đội hình gồm 9 biên đội, 60 chiếc máy bay F-105 và F-4 xuất phát từ sân bay ở Thái Lan sang đánh Hà Nội.
Lúc 14 giờ 40 phút, mạng tình báo của ta bắt được tốp mục tiêu phía nam Sầm Nưa (Lào) 70km. Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921 Trần Mạnh lập tức lệnh cho Biên đội MiG -21 gồm Nguyễn Nhật Chiêu (số 1) và Nguyễn Văn Cốc (số 2) vào cấp 1. Mấy phút sau, khi đội hình máy bay địch bay qua biên giới Việt - Lào, Nguyễn Nhật Chiêu và Nguyễn Văn Cốc được lệnh cất cánh từ sân bay Nội Bài, đón đánh. Được dẫn đường, lấy độ cao rồi bay về hướng bắc, lúc 15 giờ 08 phút, Nguyễn Nhật Chiêu phát hiện đội hình địch 40 chiếc gồm cả F-105 và F-4, bay theo đội hình thẳng, độ cao thấp hơn MiG-21 của ta.
Phán đoán đội hình F-4 chưa phát hiện MiG bám theo, Nguyễn Nhật Chiêu lập tức bỏ thùng dầu phụ và lao vào công kích. Đồng thời lệnh cho số 2 Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng công kích theo phương án cả hai cùng công kích để tạo thế bất ngờ, nâng cao hiệu quả diệt máy bay đối phương.
Khí Nguyễn Nhật Chiêu bám sát tốp máy bay thứ ba, thì số 2 thông báo phía sau tốp thứ ba vẫn còn khoảng một chục chiếc. Nguyễn Nhật Chiêu cảnh giác, quan sát thấy 8 chiếc bay phía sau tốp thứ ba. Sau khi lệnh cho số 2 Nguyễn Văn Cốc công kích tốp cuối cùng, Nguyễn Nhật Chiêu tăng tốc, lao vào công kích một chiếc F-4. Khi chiếc F-4 nằm gọn trong vòng ngắm ở cư ly 1.500-1.800m, anh ấn nút phóng một quả tên lửa R.3S, bắn hạ chiếc F-4D. Chiếc máy bay này do Thiếu tá Charles Robert điều khiển, bị rơi xuống hẻm núi Thần Sấm phía tây bắc Hà Nội. Thiếu tá Robert nhảy dù, bị bắt; còn đại úy giặc lái Sittner bị tử trận.
Cùng lúc bắn hạ chiếc F-4D, Nguyễn Nhật Chiêu thấy một quả tên lửa bay vọt qua, lao vào chiếc F-4 phía trước; đó là quả tên lửa phóng đi từ máy bay Nguyễn Văn Cốc. Từ vị trí yểm trợ, thấy thời cơ thuận lợi, quan sát phía sau không thấy máy bay địch, Nguyễn Văn Cốc tăng tốc lên gần máy bay của Nguyễn Nhật Chiêu để bám theo một chiếc F-4. Khi điểm ngắm ổn định, Nguyễn Văn Cốc ấn nút, tên lửa găm đúng mục tiêu; nhưng cự ly phóng lúc đó chỉ khoảng 1.000m. Do phóng tên lửa quá gần, nên các mảnh vỡ máy bay địch văng cả vào miệng ống hút động cơ, làm hỏng nhẹ chóp nón máy bay của Nguyễn Văn Cốc.
Chiếc F-4 mà Nguyễn Văn Cốc bắn hạ, do đại úy Larry Edward Carrigan và trung úy Charles Lane điều khiển. Đại úy Larry nhảy dù, bị bắt. Còn trung úy Charrles Lane tử trận.
Như vậy, trong trận không chiến chiều ngày 23-8-1967, biên đội hai chiếc MiG-21 của Nguyễn Nhật Chiêu và Nguyễn Văn Cốc, cùng lúc công kích và bắn hạ 2 chiếc F-4 của không quân Mỹ.
Ở trận không chiến này, có một tình tiết “có một không hai”, được phi công Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu kể lại:
“Chiều ngày 3-8-1967, Phi đội 1, e921 trực chiến 2 chiếc MiG-21 tại Nội Bài. Trong cuộc đời chinh chiến, tôi chưa thấy khi nào mà người phi công phải cảm ơn người chỉ huy như trận ngày 23-8-1967… Lúc tôi và Cốc đang mặc quần áo bay cao không ngồi trực, nghe qua đài bài hát “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ do Tân Nhân hát…, thì chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, ông nói: “Hôm nay thời tiết tốt, có lợi cho cả hai phía, cậu nhắc anh em chuẩn bị tốt, sẵn sàng cất cánh”. Được một lúc thì anh Mạnh lệnh vào cấp 1 và mở máy ngay.
Sau khi cất cánh, chúng tôi vòng qua phải, bay hướng 240 độ, về phía Hòa Bình… Trận này chỉ huy dẫn dắt tốt, chiếm vị trí lợi thế, phi công chọn đúng đối tượng, tên lửa mới tốt, thời tiết tốt; chiến thắng giòn giã.
Cuối trận không chiến này đã diễn ra một hiện tượng rất kỳ lạ, hiếm có trong lịch sử chiến tranh hiện đại, đó là khi quay về hạ cánh, máy bay của Cốc bị thương, hỏng chóp nón; khi đến ngang Vĩnh Yên, với vị trí Đội trưởng, tôi không yên tâm, hỏi Cốc xem đang ở đâu, Cốc trả lời ngang Vĩnh Yên, tốc độ 600km/giờ. Lúc đó, ngay đầu sân bay rất nhiều máy bay F-4 và F-105 của Mỹ đang bay để đón lõng khi các máy bay MiG trở về, đã gần cạn dầu, để lao vào công kích. Nhưng buổi chiều ngày 23-8-1967, điều kỳ lạ đó đã xảy ra chuyện không thể tin được và đến tận bây giờ, vẫn chưa lý giải được. Lúc đó tình hình rất phức tạp, vì trên bầu trời sân bay dày đặc máy bay Mỹ đang khống chế sân bay. Trong lúc chiếc MiG-21 của phi công Nguyễn Văn Cốc đã bị thương và gần cạn dầu, không thể tăng tốc để không chiến; cùng lúc đó, trên vòng ba gần sân bay cả máy bay MiG và máy bay Mỹ đang bay rất gần nhau, như chung một đội hình, thậm chí nhìn thấy cả số hiệu trên đuôi, và khuôn mặt các phi công Mỹ đội mũ bay màu trắng trong buồng lái, mọi người dưới sân bay đều nín thở. Phi công Nguyễn Văn Cốc đã sẵn sàng cho trận không chiến không cân sức, nhưng không hiểu sao, như có một phép lạ, sau vài vòng lượn, các máy bay F-4 và F-105 của Mỹ bỏ quay ra; không bên nào tấn công bên nào…”.
Việt Hưng