Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đang là vấn đề mà nhân dân cả nước nói chung, CCB nói riêng đặc biệt quan tâm. Đây thực sự là một cuộc cách mạng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu của cuộc cách mạng này là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực.

Tuy nhiên, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Vì thế, cùng với việc phải thực hiện công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy phải làm thật tốt công tác sàng lọc bảo đảm giữ chân được những người tài trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc tinh giản biên chế ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trước đây vì không giữ chân được người tài. Đã có không ít cán bộ tốt chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, còn người không tốt và trung bình thì ở lại.

Theo ý kiến của các chuyên gia quản trị nhân lực, để giữ chân người tài trong bộ máy công chức, cần phải giải bài toán cân bằng của ba yếu tố, bao gồm: Lương, cơ hội thăng tiến và các chính sách an sinh. Điều quan trọng nhất để giữ chân người tài làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị là phải tạo dựng được môi trường làm việc thuận lợi cho những người này.  

Thực tế thời gian qua, đã có không ít địa phương “trải thảm đỏ” để cầu hiền tài với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, như: Hỗ trợ ban đầu với số tiền lớn, tiền lương, tiền thưởng cao cùng những ưu đãi về nhà ở, phương tiện... nhưng chỉ được một thời gian là người tài “nói lời chia tay” với lý do môi trường làm việc không phù hợp.

Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là cần thiết và cấp bách lúc này. Để công việc thành công như sự kỳ vọng của nhân dân, cùng với việc ban hành chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho những người sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt để rời công sở, cũng cần có chính sách giữ chân người tài ở lại, trong đó phải tạo dựng được môi trường làm việc dân chủ, công bằng, minh bạch để có thể phát huy tối đa khả năng cống hiến của họ. Vấn đề quan trọng nhất là phải biết sử dụng nhân tài đúng với năng lực, sở trường và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của của họ.

Đỗ Phú Thọ